Chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện lần đầu trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 12/2020 tại huyện Vân Hồ. Đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện ở các huyện, tổng số gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy lên tới hàng trăm con. Để giảm thiệt hại cho người dân, các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra việc phòng dịch trên đàn trâu, bò tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.

Tháng 6/2022, đàn bò 23 con trị giá hàng trăm triệu đồng của gia đình bà Hồ Thị Hoa, tiểu khu 3, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn bị mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó có 2 con phải tiêu hủy với trọng lượng 640 kg. Bà Hoa, cho biết: Đây là lứa bò thương phẩm đầu tiên gia đình nuôi nên chưa có kinh nghiệm. Khi phát hiện bò ăn kém, bỏ ăn và thấy có nhiều nốt nổi cục trên da, tôi đã thông báo cho cán bộ thú y đến kiểm tra, tiêm phòng nhưng vẫn phải tiêu hủy 2 con.

Sau gần 1 tháng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng ngừa, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc ở xã Cò Nòi đã được kiểm soát. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, thông tin: Thời điểm này, huyện đã khống chế được dịch viêm da nổi cục. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn thường xuyên cử cán bộ phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, họp giao ban với các thú y viên để nắm tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo thú y cơ sở tuyên truyền để người dân hiểu về căn bệnh và cách phòng chống, không hoang mang, dẫn đến việc bán tháo, giết mổ đàn trâu bò. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm từ thịt hay việc mua bán trâu, bò từ các địa phương khác tới nhằm quản lý tốt công tác phòng dịch.

Huyện Vân Hồ, là địa phương bị thiệt hại nặng do dịch viêm da nổi cục. Năm 2020, 2021, dịch bệnh đã làm hàng trăm con trâu, bò trên địa bàn 14 xã bị nhiễm bệnh, trong đó có 357 con với trọng lượng trên 61 tấn phải tiêu hủy. Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Đến thời điểm này, huyện đã kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên, huyện vẫn tiếp tục tuyên truyền đến các xã, bản chủ động phòng, chống dịch bệnh; vận động các hộ chăn nuôi tự nguyện đăng ký tiêm vắc xin cho đại gia súc. Huyện đã hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách trên 100 triệu đồng để tiêm trên 2.000 liều vắc xin cho trâu, bò. Hiện nay, có 70% số hộ chăn nuôi trên địa bàn đã hoàn thành việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò được xác định lây truyền qua các loại côn trùng, như: Muỗi, ve, mòng; tiếp xúc giữa gia súc với nhau; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình 4-14 ngày; trâu, bò mắc bệnh không điều trị khỏi mà buộc phải tiêu hủy. Giải pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng, chống bệnh trên diện rộng, bao phủ toàn bộ đàn đại gia súc.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động đăng ký tiêm phòng vắc xin với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố theo hướng xã hội hóa. Đồng thời, thực hiện tốt nguyên tắc 5 không (không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển; không giết mổ, tiêu thụ; không vứt ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi). Riêng năm 2022, đã tiêm gần 100.000 liều vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò; phân bổ gần 14.000 lít hóa chất và hơn 10 tấn vôi bột để khử trùng tiêu độc hố chôn gia súc mắc bệnh, ổ dịch, khu vực chăn nuôi vùng dịch...

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 500.000 con trâu bò, trong đó có gần 30.000 con bò sữa. Đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, tỉnh ta đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho khoảng 70% tổng đàn gia súc để tạo miễn dịch, góp phần kiểm soát bệnh dịch viêm da nổi cục trên trâu bò; không để lây lan rộng, tránh thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới