Bảo tồn và phát triển thương hiệu nếp tan Mường Và

Nếp tan Mường Và là giống lúa truyền thống được bà con dân tộc Thái, Lào ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, gieo trồng từ lâu. Với hương vị dẻo, thơm tự nhiên, nếp tan Mường Và đã trở thành sản phẩm hàng hóa được công nhận thương hiệu, có giá trị trên thị trường, giúp người trồng lúa có thu nhập ổn định.

Vùng trồng nếp tan tại xã Mường Và.

Được thiên nhiên ưu đãi, Mường Và có diện tích lúa rộng lớn màu mỡ, quanh năm được tưới mát bởi dòng suối Nặm Ca, suối Nặm Sủ bắt nguồn từ những cánh rừng nguyên sinh đổ ra. Cùng với những phiêng bãi tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho nông dân trồng lúa nước. Mường Và là địa phương trồng lúa nếp tan lớn nhất huyện Sốp Cộp, với hơn 200 ha.

Nói về giống lúa này, anh Tòng Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Nếp tan Mường Và được bà con chia thành các loại giống: Tan Hin, tan Nhe, tan Đỏ. Giống lúa này đang được gieo trồng chủ yếu ở các bản Mường Và, Cáp Ven, Huổi Ca, Huổi Niếng, Nà Lừa và một số bản có diện tích ruộng dọc suối Nặm Ca, suối Nặm Sủ, chiếm khoảng 70% diện tích ruộng của toàn xã, sản lượng hơn 1.000 tấn thóc/năm. Hiện nay, sản phẩm đã được bày bán tại các chợ, siêu thị trong, ngoài tỉnh và được bán trên sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm gạo nếp tan Mường Và.

Nếp tan Mường Và được gieo cấy từ đầu tháng 6, sau 4-5 tháng sẽ cho thu hoạch. Từ khi trổ bông đến lúc thu hoạch, cánh đồng luôn tỏa hương thơm đặc trưng từ cây lúa, hạt thóc. Quy trình trồng nếp tan đòi hỏi ruộng phải bừa, cày ải sau 1-2 tháng mới trồng; mạ phải cấy thưa, vì lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh dày. Năng suất lúa đạt từ 4,5-5 tấn/ha, tỷ lệ gạo luôn cao hơn các loại thóc khác và giá bán cũng cao hơn. 

Đến thăm gia đình ông Lường Văn Phênh, bản Mường Và, là hộ có hơn 1 ha nếp tan được đánh giá là ngon nhất trong xã. Ông Phênh chia sẻ: Giống nếp tan này đã có ở bản từ lâu, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, cả cánh đồng trung tâm xã Mường Và rộng hơn 60 ha đều trồng loại lúa này. Vụ năm 2022, gia đình thu hơn 5 tấn thóc, bán cho thương lái 4 tấn, thu trên 50 triệu đồng, số còn lại để phục vụ sinh hoạt của gia đình.

Sản phẩm nếp tan Mường Và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Hạt gạo nếp tan Mường Và.

Ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp, cho biết: Năm 2018, lúa nếp tan được cấp chứng nhận bảo hộ, thương hiệu “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”. Huyện đã xây dựng hệ thống nhận diện cũng như các quy định quản lý, sử dụng, kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm này. Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm gạo nếp mang nhãn hiệu chứng nhận nếp Mường Và theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc. Gạo nếp tan Mường Và đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đến nay, đã có 250 hộ gia đình, đơn vị đăng ký nộp hồ sơ xin sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”.

Xôi đồ từ gạo nếp tan Mường Và có mùi thơm đặc trưng.

Nếp tan Mường Và là loại nếp ngon nhất trong các loại lúa trồng ở huyện Sốp Cộp. Xôi đồ từ loại gạo này từ sáng đến tối vẫn giữ nguyên độ dẻo, vị ngọt, mùi thơm đặc trưng. Bề mặt hạt xôi có lớp dầu, có vị béo ngậy hấp dẫn. Trong văn hóa ẩm thực dân tộc Thái, Lào ở Sốp Cộp, gạo nếp tan là thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày, được chế biến thành nhiều món ăn, trong đó phổ biến là món cốm và xôi. Hiện nay, giá bán nếp tan Mường Và luôn cao hơn so với các loại lúa nếp khác trồng trong xã. 

Ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Phượng, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, cho biết: Loại gạo nếp này được tiêu thụ ổn định, ngay từ khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch lúa đã có tư thương đến hỏi mua. Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường trên 20 tấn gạo, giá trung bình từ 28 - 30 nghìn đồng/kg. HTX đã đầu tư mở rộng nhà kho, máy xay xát và các thiết bị khác để đảm bảo khép kín từ khâu hỗ trợ bà con vật tư, kỹ thuật sản xuất đến bao tiêu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Vùng dự án trồng nếp tan Mường Và.

Xây dựng thương hiệu gạo nếp tan Mường Và đã và đang tạo cơ hội cho nông dân địa phương sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, tăng thu nhập và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, để sản phẩm ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường, vẫn cần có sự hỗ trợ của các ngành liên quan trong việc chuyển giao kỹ thuật, nhằm bảo tồn, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng; kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ để thương hiệu gạo nếp tan Mường Và ngày càng vươn xa.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới