Bài phát biểu chào mừng của đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La tại Hội thảo giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào về “Kinh nghiệm thực hiện chức năng quyết định và giám sát về lĩnh vực đất đai của Hội đồng nhân dân”

Kính thưa đồng chí Pany Yathotu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào! Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam!

 

Các đại biểu dự Hội thảo giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào về 

“Kinh nghiệm thực hiện chức năng quyết định và giám sát về lĩnh vực đất đai của Hội đồng nhân dân”. 

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Việt Nam!

Kính thưa các đồng chí trong đoàn đại biểu cấp cao của hai nước Lào và Việt Nam!

Thưa các đồng chí!

Tỉnh Sơn La rất vinh dự được Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm và lựa chọn là nơi tổ chức Hội thảo kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp của các tỉnh Việt Nam có đường biên giới với Lào trong các hoạt động kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017”. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, tôi xin được kính chúc đồng chí Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào; Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, cùng các đồng chí luôn khỏe mạnh và hạnh phúc. Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Kính thưa các đồng chí!

Tỉnh Sơn La có diện tích tự nhiên 14.174 km2, có 250 km đường biên giới giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; dân số trên 1,2 triệu với 12 dân tộc anh em. Tỉnh có 11 huyện, 1 thành phố; 204 xã, phường, thị trấn; có 17 xã biên giới với 305 bản, trong đó có 65 bản biên giới. Đảng bộ tỉnh có 18 đảng bộ trực thuộc, 997 tổ chức cơ sở đảng, 78.156 đảng viên. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,2%; thu ngân sách trên địa bàn 4.006 tỷ đồng.

1- Về phát triển công nghiệp

Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 nhà máy thủy điện lớn và 38 nhà máy thủy điện nhỏ hoạt động với tổng công suất 3.576 MW, sản lượng điện 1 năm đạt trên 12 tỷ Kwh, chiếm khoảng 7,4% tổng sản lượng điện cả nước; Nhà máy xi măng công suất 1 triệu tấn/năm; Nhà máy chế biến mía đường công suất 5.000 tấn mía cây/ngày; Nhà máy chế biến sản phẩm sữa tươi công suất 90.000 nghìn tấn/năm; 13 nhà máy chế biến chè... Năm 2017, ở tỉnh đang chuẩn bị xây dựng 3 nhà máy chế biến sản phẩm củ quả; 1 nhà máy chế biến cà phê tinh chất; 1 nhà máy chế biến sản phẩm cao su; 4 khu dệt may để giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động.

2- Về phát triển nông, lâm nghiệp

Tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa:

2.1- Đến nay, tỉnh đã có 35.628 ha cây ăn quả; 12.370 ha cà phê Arabica; 4.360 ha chè; 7.800 ha mía; 6.200 ha cao su. Tỉnh đã có 111 doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp; 300 hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012; đang chỉ đạo thành lập các liên hiệp hợp tác xã; mời các Tập đoàn kinh tế liên kết với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bền vững.

2.2- Đã có 43 doanh nghiệp và hợp tác xã với 86 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận VietGAP về an toàn thực phẩm; 21 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định gồm 6 chuỗi rau, 12 chuỗi quả, 2 chuỗi thịt lợn, 1 chuỗi mật ong.

2.3- Đến nay, xoài Yên Châu, nhãn Sông Mã, rau an toàn và chè shan tuyết Mộc Châu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận. Đang thực hiện quy trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bơ; cà phê Arabica; cá tầm; táo sơn tra; cá sông Đà...

2.4- Tổ chức đánh giá 2 năm thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel kết hợp với bón phân hòa tan đối với cây cà phê và cây chè; hỗ trợ mở diện thực hiện với 136 dự án trong năm 2017.

2.5- Để giúp các hợp tác xã, hộ gia đình thực hiện quy trình sản xuất an toàn và chế biến, tiêu thụ sản phẩm bền vững hơn. Tỉnh Sơn La đã thu hút đầu tư:

(1) Công ty TNHH một thành viên Cá Tầm Việt Nam thành lập Công ty cổ phần cá tầm Sơn La để nuôi cá tầm Nga tại lòng hồ thủy điện Sơn La và xuất khẩu trứng cá tầm đen; hiện nay công ty đã mở rộng liên kết với 3 hợp tác xã để nuôi cá tầm.

(2) Tập đoàn Vingroup đầu tư các Trung tâm thương mại, Tập đoàn đã khảo sát tại 166 cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch và đưa được sản phẩm vào mạng lưới tiêu thụ trong toàn quốc.

(3) Tập đoàn TH đầu tư 2 dự án tại huyện Vân Hồ: (1) Dự án phát triển rau, củ, quả, dược liệu và chế biến thực phẩm công nghệ cao với diện tích 1.100 ha; (2) Dự án nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao, công suất 80 tấn quả/ngày.

(4) Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc liên kết với các hợp tác xã trồng cây chanh leo, năm 2016 cho thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha. Năm 2017, Công ty trồng thêm 1.000 ha cây chanh leo. Đầu tư nhà máy tại huyện Mộc Châu với công suất 30 tấn/ngày để chế biến nước chanh leo cô đặc; xuất khẩu sang các nước Châu Âu.

(5) Công ty thực phẩm IFOOD đã sản xuất và xuất khẩu được trên 200 tấn rau xà lách cuộn Mỹ vào tiêu thụ tại thị trường Hàn Quốc.

(6) Công ty TNHH Agricare Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN-PTNT) và tỉnh Sơn La khảo sát cấp mã số vùng trồng đối với sản phẩm xoài và nhãn của tỉnh Sơn La phục vụ xuất khẩu; đã xuất khẩu 3 đợt với 6,8 tấn xoài tượng da xanh sang Úc, chuẩn bị xuất khẩu sản phẩm nhãn; lập kế hoạch để năm 2018 xuất khẩu mạnh 2 sản phẩm trên sang thị trường Úc và Trung Quốc.

(7) Công ty cổ phần Phúc Sinh đầu tư Nhà máy chế biến cà phê sử dụng công nghệ chế biến ướt của Braxin tại huyện Mai Sơn; công suất 2 vạn tấn quả/năm.

(8) Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La đầu tư Nhà máy chế biến tinh bột sắn sử dụng công nghệ Thụy Điển tại huyện Mai Sơn; công suất 800 tấn củ/ngày (200 tấn tinh bột/ngày).

2.6- Ngày 11 - 12/4/2017, Tỉnh ủy đã tổ chức gặp mặt, biểu dương 782 hộ gia đình có thu nhập trong trồng trọt từ 300 triệu đồng/ha đất sản xuất, nuôi cá lồng 2 tỷ đồng/ha mặt nước trở lên; 54 hợp tác xã và 15 doanh nghiệp nông nghiệp có thu nhập bình quân trong trồng trọt từ 200 triệu đồng/ha đất sản xuất, nuôi cá lồng 1 tỷ đồng/ha mặt nước trở lên, để khích lệ và nhân diện phát triển trong toàn tỉnh.

Kính thưa các đồng chí!

Trong những năm qua, dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, các tỉnh của Việt Nam và Lào đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, tăng cường hợp tác toàn diện và đạt được kết quả rất quan trọng, đó là tiền đề tạo sự ổn định để tỉnh Sơn La cùng các tỉnh, thành phố của Việt Nam và các tỉnh của nước bạn Lào cùng phát triển. Sơn La ký hợp tác với 8 tỉnh và đào tạo thường xuyên cho khoảng 1.100 lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào; tiếp tục đào tạo cho 40 cán bộ Lào đã học tại Sơn La để lên trình độ đại học và cao học; đào tạo Tiếng Việt 9 tháng cho 113 cán bộ quân sự, công an của 8 tỉnh Bắc Lào. Năm 2017, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Tỉnh đang được tổ chức 12 hoạt động trong “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017”.

HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 được cử tri bầu 72 đại biểu, trong đó có 11 đại biểu hoạt động chuyên trách. Về cơ cấu, thành phần đại biểu bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với tình hình của tỉnh; trong đó đại biểu nữ đạt 39%, đại biểu là người dân tộc thiểu số 75%, đại biểu trẻ tuổi 22%, đại biểu tái cử 39%, đại biểu không là đảng viên 6%, đại biểu có trình độ từ đại học trở lên đạt 98%. Thường trực HĐND tỉnh có 8 đồng chí gồm Chủ tịch HĐND tỉnh là Bí thư tỉnh ủy, 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách, các Ủy viên là Trưởng các Ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh. HĐND tỉnh có 4 ban gồm Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Dân tộc và Văn phòng HĐND tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND tỉnh có 28 biên chế.

Trong đầu nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động khảo sát, giám sát; tăng cường tiếp xúc cử tri. Đã tập trung rà soát lại các Nghị quyết về cơ chế, chính sách đã ban hành của các nhiệm kỳ và ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó tách Nghị quyết về cơ chế với Nghị quyết về chính sách; Nghị quyết về chính sách tập trung cho hỗ trợ chênh lệch lãi suất giữa các Ngân hàng thương mại với Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản sạch tại các siêu thị, chợ đầu mối; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp để thực hiện mạnh hơn chủ trương xã hội hóa...

Kính thưa các đồng chí!

Tại Hội thảo hôm nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội hai nước, HĐND các tỉnh của Lào và Việt Nam sẽ được trao đổi về “Kinh nghiệm thực hiện chức năng quyết định và giám sát về lĩnh vực đất đai của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”; đây là một sự kiện đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La, giúp đỡ HĐND tỉnh Sơn La được nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của mình để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp của tỉnh Sơn La.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành, sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội hai nước đã tổ chức Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho HĐND các tỉnh của Lào và Việt Nam cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Một lần nữa xin được kính chúc đồng chí Pany Yathotu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh Lào và Việt Nam luôn mạnh khỏe và hạnh phúc. Chúc tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng phát triển!

Xin được trân trọng cảm ơn các đồng chí!

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới