Tận tâm giúp hội viên ổn định việc làm và đời sống

Những năm qua, ông Trần Văn Sinh, Chủ tịch Hội người mù tỉnh đã tích cực vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương; hỗ trợ giúp người khiếm thị có cơ hội phấn đấu, tìm kiếm việc làm và vươn lên hòa nhập xã hội.

Ông Trần Văn Sinh, Chủ tịch Hội người mù tỉnh.

Kể với chúng tôi, ông Sinh nhớ lại: Cuối năm 2004, tôi là giáo viên của Trường THCS Quyết Thắng, do nổ bình khí hidro trong khi bơm bóng bay tôi bị bỏng nặng khu vực mặt, đôi mắt mờ dần, sau đó hỏng hoàn toàn, không còn khả năng điều trị. Với mong muốn san sẻ công việc gia đình nuôi 2 con ăn học, tôi đã tham gia các khóa học chữ nổi, xoa bóp, tẩm quất cổ truyền tại Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù Việt Nam tại Hà Nội.

Được sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và một phần vốn của gia đình tích góp được, năm 2010, ông Sinh đã mở cơ sở dịch vụ xoa bóp, tẩm quất cổ truyền tại bản Buổn, phường Chiềng Cơi, Thành phố. Lúc đó, ông nhận đào tạo kỹ thuật và tạo việc làm cho 5 người khiếm thị tại cơ sở.

Nhờ hoạt động ổn định, những người làm việc tại cơ sở có thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng, nhiều người khiếm thị trên địa bàn tỉnh tìm đến cơ sở của ông xin học nghề. Ông Sinh đã vận động người cùng cảnh ngộ học thêm chữ nổi, sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng máy tính sách tay bằng phần mềm hỗ trợ dành cho người khiếm thị. Cuối năm 2012, Hội Người mù tỉnh được thành lập, với 678 hội viên, ông Trần Văn Sinh được giao trọng trách Chủ tịch hội.

Hội người mù tỉnh giao ban triển khai công việc.

Ông Sinh cùng tập thể lãnh đạo hội đề ra nhiều giải pháp để hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, như: Tặng kính, gậy dò đường, tặng quà; hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho hội viên; hỗ trợ hơn 200 hội viên học chữ nổi, kỹ thuật xoa bóp, tẩm quất cổ truyền, xông hơi, làm chổi chít, tăm giang...

Đặc biệt, đã khuyến khích, hỗ trợ hội viên mở được 19 cơ sở xoa bóp, tẩm quất cổ truyền người khiếm thị trên địa bàn tỉnh, với mức thu nhập trung bình từ 10 - 20 triệu đồng/ tháng/cơ sở. Đồng thời, giới thiệu nhiều hội viên đến làm việc tại các cơ sở xoa bóp, tẩm quất cổ truyền người mù các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Điện Biên, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Hằng năm, Hội còn tổ chức hội thảo, tập huấn về kiến thức pháp luật, những chính sách liên quan tới người khuyết tật để cán bộ, hội viên học tập, nghiên cứu. Hỗ trợ hội viên và con của hội viên nghèo phấn đấu đạt thành tích trong học tập; vận động xã hội hóa việc chăm sóc người khiếm thị trong cộng đồng dân cư.

Ông Trần Văn Sinh hướng dẫn học viên kỹ thuật xoa bóp, tẩm quất cổ truyền.

Từ năm 2019 đến nay, nhiều lần ông Sinh đạt giải cao tại các Hội thi tay nghề xoa bóp, tẩm quất cổ truyền toàn quốc; là đại diện của Hội Người mù Việt Nam tham dự Hội thảo Massage người mù Châu Á, Thái Bình Dương tại Trung Quốc và dự Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 11 tại Thái Lan… Nhiều lần được Trung ương Hội người mù Việt Nam, các cấp, ngành tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Hội.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới