Sơn La được giải phóng ngày 22/11/1952 - mốc son lịch sử

LTS: Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong 9 năm lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược - Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi. Trong chiến dịch lịch sử quan trọng này, vào ngày 22/11/1952, tỉnh Sơn La được hoàn toàn giải phóng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La (22/11/1952 - 22/11/2022), Báo Sơn La trân trọng thông tin tới bạn đọc về mốc son lịch sử và những thành tựu nổi bật của tỉnh Sơn La trong 70 năm xây dựng và phát triển sau ngày giải phóng đến nay.

Năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Do vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân các dân tộc do các sỹ phu, thủ lĩnh lãnh đạo, sau 37 năm, đến năm 1895, thực dân Pháp mới cơ bản bình định và áp đặt chính sách cai trị trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân các dân tộc Sơn La đã nhất tề đứng dậy khởi nghĩa, giành chính quyền cách mạng thắng lợi. Ngày 26 tháng 8 năm 1945, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức trên đồi Khau Cả, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La ra mắt đồng bào. Ông Chu Văn Thịnh thay mặt chính quyền cách mạng lâm thời, tuyên bố: Khởi nghĩa ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi, từ nay đồng bào các dân tộc làm chủ bản mường, đất nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp với bản chất của chủ nghĩa đế quốc, chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng: cùng lúc nạn lụt, nạn đói xảy ra, có gần 30 vạn quân của nhiều nước đế quốc kéo vào chiếm đóng các vị trí chiến lược quan trọng trên đất nước ta, giúp Pháp chiếm lại Đông Dương. Ở Sơn La, Tây Bắc, nhân dân các dân tộc giành được chính quyền chưa đầy một tuần lễ, vào ngày 31/8/1945, bọn Tàu Tưởng nhân danh đồng minh kéo đến Sơn La, nhưng thực chất nhằm thực hiện âm mưu chống phá chính quyền cách mạng tỉnh Sơn La. Tháng 11/1945, hai tiểu đoàn quân Pháp trước đó chạy trốn quân Nhật sang Trung Quốc, họ từ Vân Nam vào chiếm Lai Châu, lập “Xứ Thái tự trị” tiến hành đàn áp bóc lột và chia rẽ nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Tháng 7/1946, thực dân Pháp tiếp tục đưa thêm 5.000 quân từ biên giới Trung Quốc vào Lai Châu và Thượng Lào, rồi tiến đánh chiếm Sơn La, âm mưu chiếm toàn bộ Tây Bắc.

Đứng trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã quyết định lập mặt trận Tây Bắc và giao cho Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức Mặt trận Tây Tiến, trong đó xác định việc giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ căn bản trước mắt; điều các đại đội Vệ quốc đoàn lên mặt trận Tây Bắc đánh địch; ra mệnh lệnh thành lập Ban xung phong Tây Bắc với bốn đội vũ trang tuyên truyền là Trung Dũng, Quyết Thắng, Tây Bắc, Quyết Tiến nhằm thực hiện mở mặt trận trong lòng địch.

Tình hình chiến sự ngày càng diễn biến ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các đội xung phong vũ trang tuyên truyền của Ban xung phong Tây Bắc, phong trào kháng chiến ở địa bàn tỉnh Sơn La đã nhanh chóng được củng cố, thúc đẩy phát triển. Tháng 10/1946, Chi bộ đảng tỉnh Sơn La thành lập, là bước phát triển quan trọng về tổ chức bộ máy lãnh đạo. Từ đây, các chủ trương quan trọng, cấp bách đã được triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả, trọng tâm như gấp rút đào tạo cán bộ, xây dựng căn cứ kháng chiến ở Mộc Hạ (Mộc Châu) và ở các địa bàn chiến lược; xây dựng bộ đội địa phương và phát triển rộng rãi lực lượng dân quân du kích; thành lập các đội xung phong vũ trang tuyên truyền, hoạt động bí mật ở vùng sau lưng địch để tuyên truyền, vận động quần chúng xây dựng các cơ sở cách mạng; đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, cản phá các cuộc khủng bố, đàn áp của địch vào các khu căn cứ kháng chiến, khu du kích; diệt tề, trừ gian và phá thế kìm kẹp của địch. Phong trào kháng chiến của quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La phát triển, từng bước lan rộng trên khắp các địa bàn, làm cho địch luôn phải căng sức ra đối phó, giữ địa bàn kiểm soát.

Trong năm 1950, 1951, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng quân ủy Trung ương, những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Biên giới (tháng 9/1950) và các chiến dịch đánh địch ở Trung du, đồng bằng Bắc bộ (từ tháng 12/1950 đến tháng 6/1951) và trên các mặt trận chính trị, ngoại giao đã làm thay đổi cục diện cách mạng, tạo thế chủ động tiến công chiến lược trên khắp chiến trường, dồn thực dân Pháp vào thế bị động, lúng túng. Tháng 9/1952, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch giải phóng Tây Bắc.

Nhận rõ vị trí quan trọng của chiến dịch Tây Bắc đối với Sơn La, tháng 9/1952, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ra Nghị quyết “Nhận rõ tình hình, tích cực làm tròn nhiệm vụ” và khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao; gấp rút chuẩn bị mọi mặt để phối hợp với các lực lượng đánh địch, giải phóng và tiếp quản vùng giải phóng.

Ngày 14/10/1952, đợt I của chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, chỉ sau 10 ngày vừa tiến công phía trước, vừa hình thành mũi đánh vu hồi tạo thế bao vây, tiêu diệt địch, quân và dân ta chiến đấu mưu trí, dũng cảm, đập tan tuyến phòng thủ tả ngạn sông Đà của thực dân Pháp. Ngày 23/10/1952 đợt I của chiến dịch kết thúc thắng lợi, quân và dân ta đã giải phóng một vùng rộng lớn gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Phù Yên, Quỳnh Nhai, tạo thế tiến công giải phóng tỉnh Sơn La.

Ngày 17/11/1952, đợt II của chiến dịch Tây Bắc tiếp tục, quân và dân ta tiến đánh đồn Bản Hoa, Ba Lay và đập tan cứ điểm Mộc Châu, quân Pháp ở các đồn ven sông Đà từ Hát Tiêu đến Tạ Khoa và dọc đường 41 (Quốc lộ 6 ngày nay) từ Chiềng Pằn tới huyện lỵ Yên Châu tan vỡ từng mảng, hoảng sợ rút chạy, quân ta thừa thắng truy kích, tiêu diệt và bức rút địch ở Na Ngà, Tà Vài, Chiềng Đông, Cò Nòi... Đồng thời mũi vu hồi tiến đánh địch ở Tuần Giáo, Điện Biên, tiến xuống giải phóng Thuận Châu và tỉnh lỵ Sơn La.

Ngày 22/11/1952, tỉnh lỵ Sơn La (trừ Nà Sản[1]) và các huyện phía Nam Lai Châu được giải phóng. Vùng giải phóng Tây Bắc nối liền với Việt Bắc và thượng Lào tạo thành thế chiến lược có lợi cho ta. Đó cũng chính là tiền đề để quân và dân ta đánh thắng giặc Pháp trong chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ - kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Tỉnh Sơn La được giải phóng, đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển của nhân dân các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đây nhân dân các dân tộc trong tỉnh thoát khỏi chế độ áp bức bóc lột, khủng bố, đàn áp của đế quốc và phong kiến tay sai. Với thành quả đạt được đã khẳng định vững chắc sự vận dụng sáng suốt chủ trương chỉ đạo của Đảng; năng lực tổ chức, lãnh đạo của Đảng bộ trong điều kiện thực tiễn của địa phương; tinh thần đoàn kết, ngoan cường, lòng quyết tâm, niềm tin tưởng của nhân dân các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng bộ.

(Còn nữa)

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY SƠN LA

[1] Trước nguy cơ thất bại, địch co cụm về Nà Sản, âm mưu xây dựng Nà Sản thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Sau 3 đợt tấn công, ngày 10/12/1952, Bộ Tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch. Lúc này Sơn La mới hoàn toàn sạch bóng quân thù.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới