Yên Châu sẵn sàng phương án tiêu thụ nông sản

Hiện nay, huyện Yên Châu hiện có 11.348 ha cây ăn quả. Ngay từ đầu năm nay, huyện Yên Châu đã chủ động phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón nâng cao chất lượng sản phẩm; tư vấn, hướng dẫn cách livestream đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử; kết nối các đối tác mở rộng thị trường.

Phát triển vùng trái cây an toàn 

Là vùng cây ăn quả lớn của tỉnh với các cây chủ lực là xoài, nhãn, chuối, mận hậu và chanh leo. Dự kiến năm nay, toàn huyện có trên 19.000 tấn xoài; hơn 21.000 tấn nhãn, 33.000 tấn mận hậu; gần 2.000 tấn chanh leo, trên 9.500 tấn chuối. Thời vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu hướng dẫn nông dân xã Sặp Vạt chăm sóc xoài.

Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, cho biết: Với 4 nhiệm vụ: Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các HTX, nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; xác định các khu vực sản xuất vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận động nông dân sản xuất nông sản đảm bảo về sản lượng, chất lượng tuân theo đúng quy trình, hướng dẫn chăm sóc, trong đó có bón phân của cơ quan chuyên môn. Quản lý trên 773 ha cây ăn quả đã được cấp chứng nhận VietGAP; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện công tác quản lý, giám sát 67 mã số vùng trồng cho trên 1.140 ha cây ăn quả các loại.

Huyện Yên Châu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn làm tốt công tác quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản, như “Xoài tròn Yên Châu”, “Chuối Yên Châu”. Tăng cường quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương.

Nhiều HTX, hộ gia đình đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là các biện pháp đốn tỉa, tạo tán, bao trái phòng, chống sâu bệnh, đầu tư các hệ thống tưới chủ động… tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Diện tích cây trồng trên địa bàn được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tăng dần, hình thành được nhiều mô hình, cách làm hay trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, như các mô hình chăm sóc mận, nhãn rải vụ tại các xã Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài; mô hình chăm sóc xoài theo hướng hữu cơ tại xã Chiềng Hặc; mô hình phát triển dâu tây, lê tai nung tại xã Phiêng Khoài…

Nhân dân xã Sặp Vạt chăm sóc xoài.

Thời điểm này, các thành viên HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc đang tập trung bao trái, chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, chủ động nguồn nước tưới nhằm duy trì độ ẩm, đảm bảo chất lượng, năng suất và mẫu mã cho sản phẩm xoài xuất khẩu. Hiện nay, HTX có 7 thành viên, với 25 ha xoài, nhãn; ngoài ra, HTX còn liên kết với trên 30 hộ trên địa bàn xã, với diện tích gần 80 ha cây ăn quả. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, trên 10 ha cây ăn quả của HTX được cấp quy trình sản xuất sản xuất an toàn VietGAP và trên 80 ha được cấp mã số vùng trồng.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX, cho biết: HTX tuân thủ, áp dụng nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc cây nhãn, xoài theo quy trình VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế vô cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm nay, sản lượng dự kiến gần 2.000 tấn xoài, trên 400 tấn nhãn. Thị trường có nhiều tín hiệu vui, các bạn hàng truyền thống trong nước và phía Trung Quốc đã liên hệ đặt hàng cung cấp cho hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu đảm bảo bao tiêu hết sản phẩm cho thành viên.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT tư vấn, hướng dẫn nhân dân xã Phiêng Khoài kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch mận hậu chín sớm.

Tại xã Phiêng Khoài, nhiều hộ dân nơi đây cũng đang tất bật thu hoạch mận hậu chín sớm. Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, cho biết: HTX có 35 ha mận hậu được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, được cắm biển, khoanh vùng sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất thông qua hệ thống camera. HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc, từ cắt tỉa, tạo tán, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, hệ thống tưới ẩm, làm nhà lưới chống mưa đá để bảo vệ diện tích mận. Cùng với đó, HTX đầu tư hệ thống kho lạnh để kéo dài thời gian bảo quản mận sau khi thu hoạch; chủ động giới thiệu sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội; kết nối với các thương lái đưa sản phẩm đi tiêu thụ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã thu được 60 tấn mận hậu chín sớm, bán với giá từ 50.000 - 120.000 đồng/kg

Qua rà soát, toàn huyện có 787 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 6,3% diện tích cây ăn quả toàn huyện; 30% diện tích cây ăn quả chủ lực (mận, nhãn, xoài) đã được ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Vụ thu hoạch năm 2022, sản phẩm xoài, nhãn của Yên Châu đã xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Anh, Úc, Hà Lan.

Mở rộng thị trường tiêu thụ 

Đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng trái cây cho nhân dân, ngay từ đầu năm, huyện đã giao các cơ quan chuyên môn, UBND các xã làm việc với các HTX, các doanh nghiệp thu gom đầu mối để tiếp tục duy trì các bạn hàng truyền thống cũng như giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông sản của Yên Châu đến với bạn hàng trên cả nước.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thông tin: Huyện Yên Châu đã phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức các lớp tập huấn bán hàng online trên nền tảng số, hệ thống siêu thị điện tử. Để giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, huyện đã chủ động kết nối với bạn hàng đưa sản phẩm vào chế biến; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư nhà lạnh, kho lạnh bảo quản nông sản.

Vườn xoài tròn tại xã Sặp Vạt được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP.

Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty cổ phần BNC Nguyễn Trần, thông tin: Công ty chuyên thu mua, phân phối các sản phẩm nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2023, Công ty đã khảo sát tại hệ thống các siêu thị lớn ở miền Nam để xây dựng những khu vực nhận diện riêng cho nông sản Sơn La và chuẩn bị cho những đơn hàng xuất khẩu cả quả tươi và chế biến. Từ đầu vụ đến nay, Công ty đã thu mua mận hậu của huyện Yên Châu tiêu thụ tại tất cả các hệ thống siêu thị trên toàn quốc, chợ đầu mối Thủ Đức và các hệ thống bán hàng online trên toàn quốc.

Nông dân xã Lóng Phiêng chăm sóc nhãn.

Ngoài việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ với các bạn hàng truyền thống, đưa trái cây tươi Yên Châu vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị WinMart+, BigC miền Nam, hệ thống kênh siêu thị T-mart; cung cấp shẩm mận cho Công ty ECovi để xuất khẩu đi các nước Singapore, Malaysia; liên kết với Công ty xuất nhập khẩu Phusan Hải Dương; chào hàng sản phẩm mận tại thị trường các nước EU… Năm nay, huyện Yên Châu đang mời thêm các doanh nghiệp có uy tín về tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến nông sản trong và ngoài nước đến khảo sát, thu mua trái cây. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ giới thiệu, quảng bá nông sản trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trên cả nước.    

Với sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu trồng, chăm sóc, đến hoạt động hỗ trợ kết nối, quảng bá nông sản là điều kiện để huyện Yên Châu thực hiện thắng lợi kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023.

 

Minh Thu - Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới