Triển vọng cây bí đao ở Dồm Cang

Sau hơn một năm trồng cây bí đao ở xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, bước đầu cho thấy phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây; cây sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Được vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để thực hiện mô hình trồng bí đao, tháng 3/2022, bà Tòng Thị Tâm, bản Cang, xã Dồm Cang đã chuyển đổi 1.400 m2 đất trồng lúa sang trồng bí đao. Sau hơn 2 tháng trồng, bí đao đã bắt đầu cho thu hoạch; đến nay, gia đình bà đã thu được 10 lứa, được hơn 15 tấn, bán với giá 6.000 đồng/kg tại ruộng, mang lại thu nhập hơn 90 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Nhân dân xã Dồm Cang thu hoạch bí đao.

Bà Tâm cho biết: Trồng bí đao chỉ vất vả và tốn kém đầu tư làm giàn một lần nhưng được được 2-3 năm và có thể tận dụng làm bằng cây tre có sẵn. So với lúa, bí đao cho thu nhập cao gấp đến 8 lần, mỗi tháng cho thu 1 lứa, không phải làm cỏ nhiều. Năm nay, gia đình mở rộng diện tích trồng bí đao lên 5.000 m2.

Còn gia đình chị Vì Thị Thuận, bản Khá Men, xã Dồm Cang, tháng 5/2022 đã đầu tư chuyển đổi 6.000 m2 đất ruộng một vụ sang trồng bí đao, vụ đầu tiên, bí đao đã cho thu hoạch trên 25 tấn, gia đình thu về 150 triệu đồng. Chị Thuận phấn khởi cho biết: Đến nay, gia đình đã thu được 8 lứa, trồng bí đao không vất vả mà lại cho thu nhập cao và không phải lo đầu ra, thương lái đến mua tận vườn. Thời gian trước tết, chúng tôi bán được giá 8.000 đến 15.000 đồng/kg.

Nhân dân bản Cang, xã Dồm Cang phân loại bí đao sau thu hoạch.

Trước giá trị, hiệu quả từ cây bí đao, hiện nay, nhiều người dân xã Dồm Cang tích cực hưởng ứng trồng. Từ chỉ mấy nghìn mét vuông đầu năm 2022, đến nay, toàn xã trồng hơn 4 ha, chủ yếu tập trung tại bản Cang, Khá Men và bản Dồm…

Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, cho biết: Sau khi vài hộ trồng thử nghiệm cho thấy bí đao hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xã, cho năng suất, bán giá cao. Xã đang rà soát và khuyến khích người dân trồng trên các đất ruộng, nương kém hiệu quả và tranh thủ trồng vụ đông sau thu hoạch lúa mùa. Đồng thời, tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, để điều chỉnh diện tích trồng phù hợp, tránh tình trạng trồng tràn lan theo phong trào.

Ông Tòng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp, thông tin: Cây bí đao phát triển tốt ở nhiệt độ từ 17 đến 25 độ C, nếu trời lạnh dưới 17 độ C hoặc cao hơn từ 26 đến 30 độ C, cây bí đao sẽ phát triển kém hơn. Vì vậy, 2 vụ trồng bí đao cho năng suất tốt, ít sâu bệnh đó là vụ xuân hè, bắt đầu gieo hạt vào tháng 1 đến tháng 3 dương lịch; vụ thu đông bắt đầu gieo hạt vào tháng 8 đến tháng 9 dương lịch. Sau khi trồng khoảng 2 tháng, bắt đầu cho thu hoạch mỗi tháng một lứa quả.

Ngoài ra, còn có vụ đông sớm gieo hạt vào cuối tháng 9 đến tháng 10, vụ hè thu gieo hạt từ tháng 4 đến tháng 5. Tùy từng vùng mà thời gian trồng bí đao có thể sẽ khác, nhưng nhìn chung, bí đao là loại cây có thể trồng gần như quanh năm.

Đánh giá về hiệu quả bước đầu về cây bí đao, ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sốp Cộp, cho biết: Kết quả bước đầu cho thấy, cây bí đao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Ngoài xã Dồm Cang, hiện nay, trồng bí đao đang phát triển sang các xã Mường Và, Sốp Cộp, Nậm Lạnh… Nếu cho năng suất và giá bán như hiện tại, thì có thể được đánh giá là cây góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân, vì loại cây này rất dễ trồng, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, thu hoạch ổn định nhiều tháng. Sau giai đoạn đánh giá, nếu hiệu quả, trong thời gian tới, huyện có chủ trương, cơ chế, chính sách, vận động bà con chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây bí đao.

Với hiệu quả bước đầu cây bí đao mang lại, đem đến thêm hướng đi mới cho huyện Sốp Cộp trong khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới