Tiếp sức cho người dân vùng khó khăn phát triển sản xuất

Sau 15 năm triển khai thực hiện, nguồn vốn từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã và đang tiếp sức cho các xã vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, từ đó mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Điều kiện kinh tế của gia đình ông Mòng Văn Biên, bản Huổi Co, xã Mường Cai, huyện Sông Mã có nhiều chuyển biến nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Được biết, những năm trước năm trước, kinh tế gia đình ông khó khăn do không có vốn đầu tư. Cứ mỗi vụ sản xuất, gia đình thường đi vay tiền bên ngoài với lãi suất cao hoặc mua nợ giống, phân bón để đầu tư. Đến lúc thu hoạch, thu nhập từ ruộng, nương chủ yếu trang trải nợ nần, không tích lũy được đồng nào.

Mô hình trồng nhãn cho thu nhập cao của nông dân xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã.

Ông Biên kể: Giữa năm 2019, gia đình tôi được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, tôi đã mua 2 con bò và 1 con trâu sinh sản. Sau hơn 1 năm, tôi nhận thấy việc nuôi trâu, bò không tốn thời gian mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi mở rộng thêm diện tích trồng cỏ và mạnh dạn mở rộng mô hình nuôi gia súc, gia cầm với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, gia đình tôi có 7 con trâu bò, 60 con gia cầm, thu nhập hằng năm khoảng 120-150 triệu đồng.

Không chỉ gia đình ông Biên, trên địa bàn huyện Sông Mã đã có hàng nghìn hộ được vay vốn từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Riêng năm 2022, toàn huyện có 580 hộ trên địa bàn 16 xã được vay vốn chương trình với doanh số cho vay 27,6 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thế Chung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, cho biết: Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được tiếp cận vốn, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương kịp thời nắm bắt thông tin, hướng dẫn thủ tục vay vốn để giải ngân kịp thời. Điều đáng mừng là hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả gốc và lãi đúng hạn.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường La thực hiện giao dịch tại xã Hua Trai.

Được triển khai từ năm 2007, đối tượng vay vốn của chương trình là các gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn; nguồn vốn này thực sự hỗ trợ đắc lực trong việc cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, an sinh xã hội. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế, xã hội; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, hạn chế tình trạng tái nghèo.

Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, cho biết: Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sơn La hiện còn 131 xã được thụ hưởng nguồn vốn vay. Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện xây dựng kế hoạch, cân đối vốn để thực hiện cho vay phù hợp; bám sát nhu cầu thực tế vay vốn ở từng địa bàn các xã.

Nông dân huyện Yên Châu phát triển mô hình nuôi lợn từ vốn vay Ngân hàng CSXH.

Quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng CSXH với chính quyền địa phương cùng các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình; hướng dẫn hộ vay làm thủ tục hồ sơ, điều kiện vay vốn, đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, thời hạn, lãi suất cho vay; đảm bảo 100% đối tượng khi có nhu cầu, đủ điều kiện sẽ được giải quyết vốn vay theo quy định. Lũy kế đến nay, doanh số cho vay chương trình đạt 2.497 tỷ đồng với 75.183 lượt khách hàng được vay vốn; dư nợ cho vay đạt 981,8 tỷ đồng, với 22.712 khách hàng còn dư nợ.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là minh chứng rõ nét khẳng định sự đúng đắn, tính nhân văn của chương trình. Đây là nguồn lực quan trọng, hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giúp hàng nghìn hộ dân các xã vùng khó trên địa bàn tỉnh có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

 

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới