Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Phù Yên tập trung định hướng phát triển kinh tế, xã hội cho từng tiểu vùng, trên cơ sở điều kiện tự nhiên và lợi thế; phân bổ nguồn vốn cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương những lĩnh vực cần ưu tiên, phù hợp với điều kiện, tiềm năng lợi thế và bảo đảm công khai, minh bạch.

Tuyến đường nội bản Đá Mài, xã Nam Phong, huyện Phù Yên được bê tông hóa.

UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình; kế hoạch vốn trung hạn; kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình. Đồng thời, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành rà soát đề xuất các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình trên địa bàn huyện các năm 2021, 2022 và giai đoạn 2021-2025. Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể và tiến độ thực hiện cho các cơ quan, đoàn thể, các xã, thị trấn được giao chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp đã đề ra.

Năm 2022, huyện được giao 8 tỷ 735 triệu đồng theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Nguồn kinh phí chi hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ cấp gạo trồng rừng cho hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ. Đến nay, đã trồng mới được trên 140 ha rừng sản xuất; hỗ trợ bảo vệ 8.270 ha rừng cho 7 cộng đồng bản và 305 chủ rừng là các hộ gia đình tại các xã Mường Do, Mường Lang, Đá Đỏ, Kim Bon, Nam Phong, Suối Bau, Bắc Phong, Sập Xa, Huy Tường...

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã vùng Mường duy trì và mở rộng trên 800 ha cây ăn quả có múi theo hướng nâng cao chất lượng; duy trì thương hiệu “Cam Phù Yên” trong những năm tiếp theo. Đối với các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình và các xã vùng cao, tập trung trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đất bạc màu; mở rộng diện tích cây gai xanh lên 275 ha và hơn 200 ha sắn cao sản. Nghiên cứu mở rộng diện tích lúa tại các xã thuộc cánh đồng Mường Tấc theo phương pháp sản xuất hữu cơ từ 150 ha lên  370 ha vào năm 2025, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gạo Phù Yên.

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Phù Yên, cho hay: Theo Quyết định số 1337/QĐ-UBND tỉnh, năm 2022, Phù Yên được giao gần 45 tỷ đồng đầu tư 52 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Trong đó, đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới 49 công trình đường giao thông, nhà văn hóa, hệ thống thủy lợi, lớp học cắm bản, bếp ăn bán trú, nhà công vụ... trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn; 2 công trình trạm y tế xã Tân Phong và xã Tường Hạ; 1 công trình chợ trung tâm xã Tường Phong.

Đến hết năm 2022, huyện Phù Yên có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo còn 17,28%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, 42% số bản có đường bê tông đến trung tâm xã, 71% số trường lớp học được kiên cố...

Năm 2023, huyện Phù Yên được cấp trên 134 tỷ đồng thực hiện 8/10 dự án thành phần theo hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, các địa phương giải ngân nguồn vốn từ năm 2022 chuyển sang và hoàn thiện các thủ tục để triển khai giải ngân nguồn vốn Trung ương được cấp năm 2023 thực hiện các dự án của Chương trình. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phù Yên được triển khai đúng quy định, kịp thời sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới