Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai

Được sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mộc Châu đã xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất rau, quả an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Mô hình trồng rau trong nhà kính thuộc Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”.

Nông dân tiếp cận cách làm mới

Năm 2022, Viện Nghiên cứu Rau quả được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thực hiện Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và được UBND tỉnh Sơn La cho phép thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh. Dự án được triển khai vào tháng 11/2022. Viện phối hợp chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân các công đoạn từ lắp đặt nhà kính an toàn cho đến khâu làm đất, chọn giống và hỗ trợ lắp đặt các thiết bị công nghệ cao giám sát các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng. 

Đến thăm khu nhà kính của dự án ở các xã Phiêng Luông, Chiềng Hắc, mỗi nhà vườn đều lắp đặt các máy đo nhiệt độ và độ ẩm đất, nhiệt độ và ẩm độ không khí, kết nối với điện thoại thông minh của chủ vườn. Ngoài ra, còn có hệ thống tưới nước, bón phân tự động, bạt nông nghiệp phủ luống giữ ẩm đất, lưới cắt nắng và lưới ngăn côn trùng, đảm bảo các điều kiện tối ưu, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi, cho năng suất, chất lượng cao.

Mô hình trồng ớt chuông trong nhà kính của gia đình anh Đặng Văn Mẫn.

Gia đình anh Đặng Văn Mẫn, bản 83, xã Phiêng Luông là một trong 18 hộ được chọn thí điểm thực hiện dự án. Sau 5 tháng trồng, 1.000 m2 vườn ớt chuông của gia đình anh đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, với trên 200kg quả. Theo anh Mẫn, được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà kính và áp dụng tiến bộ khoa học từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, nên sản lượng và chất lượng ớt của gia đình nâng lên rõ rệt. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ, gia đình anh chuyển từ thói quen sản xuất truyền thống sang phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ.

Anh Mẫn chia sẻ: Ớt chuông trồng trong nhà kính không bị sâu hại, ít nhiễm bệnh, quả to, mã đẹp hơn nên được thương lái bao tiêu với giá trung bình 35.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với giống ớt này trồng ngoài tự nhiên.

Ớt chuông được trồng trong nhà kính cho mẫu mã đẹp, chất lượng cao.

Trồng ớt chuông trong nhà kính, anh Mẫn thường xuyên theo dõi các thông số kỹ thuật trên điện thoại thông minh, điều chỉnh chế độ chăm sóc sao cho độ ẩm đất trồng luôn ở ngưỡng 70-75%, nhiệt độ không khí trong vườn từ 22-28 độ C; ẩm độ không khí dao động khoảng 65-70%, nhiệt độ đất trồng từ 20-22 độ C.

Anh Mẫn nói thêm: Khi nhiệt độ không khí trong vườn cao hơn 30 độ C, thì dùng lưới cắt nắng; nếu ẩm độ không khí vượt ngưỡng tối ưu, thì tăng quạt thông gió và hút khí; ẩm độ đất quá thấp hay cây ớt sinh trưởng kém, phải tăng thời lượng dưỡng nước và bón phân... Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, hiện tại toàn bộ diện tích ớt chuông phát triển tốt, cho năng suất ổn định; dự kiến, tổng sản lượng quả đạt 10 tấn, cao gấp 3-4 lần các vườn ớt không có nhà kính bao che.

Mô hình trồng cà chua trong nhà kính của hộ sản xuất ở xã Chiềng Hắc. 

Còn tại bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc, gia đình anh Nguyễn Văn Duyến tham gia dự án với mô hình trồng cà chua. Được dự án hỗ trợ giống và nâng cấp 1.200 m2 nhà kính trồng cà chua, sau 4 tháng trồng thử nghiệm, toàn bộ vườn đã cho thu hoạch.

Anh Duyến phấn khởi: Trồng trong nhà kính không cần phải lo về thời tiết, khí hậu, cây phát triển tốt cho quả chất lượng cao. Với giá trung bình 12.000-15.000 đồng/kg, vườn cà chua cho lợi nhuận cao gấp 1,7 lần so với trồng bên ngoài nhà kính. Hết vụ, sản lượng quả ước đạt 21 tấn, tương đương năng suất đạt 180 tấn quả/ha. Hiện tại, đã có một số chuỗi tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và thành phố Hà Nội đặt thu mua toàn bộ sản phẩm quả cà chua của gia đình.

Nhân rộng mô hình sản xuất thông minh

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam, cho biết: Dự án nhằm cải thiện sản xuất và tiếp thị rau nhà kính và áp dụng các giải pháp khoa học dựa trên các bằng chứng thực tế cũng như các phương pháp đổi mới công nghệ tiên tiến. Dự án gồm 4 hợp phần chính: Nâng cấp và tối ưu hóa 17 nhà kính, vườn ươm hiện có tại Mộc Châu, quy mô mỗi nhà kính từ 500 m2 đến 2.000 m2); xây dựng mô hình sản xuất các loại rau có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao trong nhà lưới, nhà màng, gồm ớt chuông, cà chua, dưa chuột; hoàn thiện và nâng cao trình độ sản xuất cây giống cho các vườn ươm; bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, phân tích thị trường chuỗi giá trị và kết nối thị trường tiêu thụ rau, quả.

Đến nay, dự án dần hoàn thiện các hợp phần theo kế hoạch. Viện Nghiên cứu Rau quả đào tạo kỹ thuật cho 3 nhà vườn tại Mộc Châu gieo ươm và ghép thuần thục cây rau giống; đồng thời, cung cấp 4 vạn cây cà chua ghép và ớt chuông cho các nhà kính thuộc Dự án. Dự án còn hỗ trợ 18 hộ gia đình tại huyện Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa các nhà kính hiện có. Cùng với việc cung cấp cây giống, phân bón, dụng cụ kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao cho người hưởng lợi, việc hỗ trợ kỹ thuật, giám sát và đào tạo tại chỗ chặt chẽ trong suốt chu kỳ cây trồng được thực hiện thông qua các hoạt động của dự án.

Qua đánh giá, việc sản xuất rau trong nhà kính đã sản xuất ra các sản phẩm sạch hữu cơ, cho năng suất ổn định, chất lượng rau an toàn, góp phần tăng thu nhập cho các hộ tham gia; cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm bớt sự lệ thuộc vào yếu tố khí hậu, thời tiết; tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.  

Nhân rộng mô hình, Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau công nghệ cao trong nhà kính cho bà con; chuyển giao kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý giá thể làm bầu ươm giống, sử dụng lưới chắn côn trùng, giàn đặt khay cây cũng như quản lý việc chăm sóc, đảm bảo nguồn cây giống sạch bệnh đưa vào trồng. Triển khai mô hình thủy canh dưa lưới trên giá thể xơ dừa, không còn ảnh hưởng của các tác nhân hoá học, mở ra triển vọng về cây trồng mới, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Các dự án nông nghiệp thông minh, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản của tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mộc Châu nói riêng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp bền vững.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới