No ấm trên dải đất biên cương

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Sông Mã đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách, nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, để cuộc sống bà con nơi vùng biên giới ngày càng ấm no.

Mô hình trồng dứa Queen của bà con bản Lọng Lót, xã Mường Sai.

Là xã biên giới đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới, Chiềng Khương đang từng ngày khởi sắc. Dọc hai bên tuyến quốc lộ 4G là những ngôi nhà cao tầng khang trang; các tuyến đường đường liên bản, nội bản được đổ bê tông sạch sẽ phong quang. Ông Lò Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã có 21 bản, trong đó 8 bản biên giới. Thời gian qua, xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 38,3 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,1%.

Tại bản Lọng Lót, xã biên giới Mường Sai, từ năm 2019, hơn 20 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khu vực có nguy cơ sạt lở cao, huyện Sông Mã đã đầu tư sắp xếp dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm để ổn định cuộc sống. Ông Giàng A Lử, người già có uy tín ở bản, chia sẻ: Nhà nước đầu tư 19 tỷ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa bản. Bà con được hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dứa Queen, phát triển kinh tế, ai cũng phấn khởi, động viên nhau cùng lao động sản xuất xóa đói, giảm nghèo. 

Thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng cao và các xã biên giới giai đoạn 2020-2025, UBND huyện đã huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường tiềm lực, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lãnh thổ, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân khu vực biên giới.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Trong quá trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã biên giới, huyện tập trung đáp ứng nhu cầu làm việc, học tập, sinh hoạt cộng đồng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại các xã. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã đầu tư hơn 40 công trình. Trong đó, nâng cấp 7 tuyến đường giao thông; xây dựng 14 nhà văn hóa bản, 6 điểm trường mầm non, tiểu học; 2 công trình thủy lợi và 4 cây cầu cứng; bố trí ổn định 2 điểm dân cư bị ảnh hưởng thiên tai với trên 100 hộ dân... 

Cùng với tạo điều kiện cho các hộ gia đình được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, huyện còn chỉ đạo các xã chọn và triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Hằng năm, các xã biên giới duy trì canh tác hơn 1.700 ha lúa 2 vụ, trên 3.200 ha ngô, chăm sóc 2.600 ha cây ăn quả, 48,8 ha dứa Queen và 760 ha quế; duy trì chăn nuôi hơn 19.000 con đại gia súc. Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, các cơ quan chuyên môn còn  tổ chức 4 lớp đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho hơn 100 lao động nông thôn. Số hộ nghèo năm 2022 ở 4 xã biên giới của huyện giảm còn 1.184 hộ.

Từ năm 2020 đến nay, huyện đã xóa được 181 nhà tạm cho người dân tại các xã biên giới, với tổng kinh phí 8,4 tỷ đồng, trong đó 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa. Lĩnh vực giáo dục, y tế được chú trọng, 4 xã biên giới có 11 trường học đạt chuẩn quốc gia và 4/4 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đời sống đồng bào các xã vùng biên giới huyện Sông Mã đang từng ngày được cải thiện, nhân dân yên tâm thi đua phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh chính trị ở địa phương.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới