Mai Sơn vào vụ chăm sóc na

Là địa phương có diện tích na lớn nhất tỉnh, với gần 600 ha, thời điểm này, các nhà vườn trên địa bàn huyện Mai Sơn đang tập trung chăm sóc, phục hồi diện tích na, chuẩn bị cho một vụ quả mới.

Hộ sản xuất lắp đặt hệ thống tưới ẩm cho vườn na.

Vườn na của gia đình anh Trần Bá Khánh, tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót, sau khi được cắt tỉa đang mọc những trồi non xanh mơn mởn. Với lợi thế trồng trên những đồng đất bằng phẳng, trải dài, nên vườn na của gia đình anh Khánh rất thuận lợi trong việc chăm sóc, thu hái. Hơn 12 ha na dai và na Thái, vụ vừa qua, gia đình anh thu gần 40 tấn quả, sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 1 tỷ đồng. 

Nói về kinh nghiệm trồng na, anh Khánh chia sẻ: Na là loại cây "khó tính", phải trồng ở những khu đất xốp, dễ thoát nước. Ngay sau khi thu hoạch, phải loại bỏ bớt cành, lá cũ, tạo tán thoáng để cây tích trữ năng lượng bắt đầu một mùa vụ mới. Xử lý nấm bệnh cũng là bước quan trọng, bởi thời điểm này, sức đề kháng của cây kém; nấm khuẩn rất dễ tấn công những vết thương hở do quá trình thu hoạch, cắt tỉa cây. Trong quá trình chăm sóc, gia đình tôi sử dụng các loại thuốc phòng, trừ sâu bệnh chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Tận dụng tối đa phế phẩm nông nghiệp bón cho cây vừa giảm chi phí, cải tạo đất tốt lâu, tốt bền và cho sản phẩm quả sạch, an toàn.

Diện tích na Mai Sơn bắt đầu nẩy lộc. 

Còn tại xã Cò Nòi, các hộ dân đang tập trung chăm sóc diện tích na sau thu hoạch. Cây na được đưa vào trồng từ năm 1990, đến nay, toàn xã phát triển gần 300 ha na. Những ngày này, các thành viên của HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi đang chăm sóc gần 60 ha na. Do toàn bộ diện tích thực hiện quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP, rải vụ, nên việc chăm sóc có phần khắt khe hơn. Các thành viên HTX đều đầu tư máy móc hỗ trợ cho việc xới đất, chăm bón cây na.

Giống na dai địa phương được hộ sản xuất ghép mắt giống na Thái.

Anh Bùi Văn Lộc, Giám đốc HTX, cho biết: Hằng năm, vào cuối tháng 2, các thành viên HTX tiến hành dọn vườn, cắt tỉa các cành yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả; tăng cường lắp đặt hệ thống tưới ẩm, vun xới đất, bón phân để vườn na khỏe mạnh, phát triển tốt. Sản xuất theo quy trình an toàn, nên các thành viên HTX đều sử dụng phân bón hữu cơ, tận dụng từ phụ phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi bón cho cây, kích thích cây phát triển mầm sớm. Hiện tại, toàn bộ diện tích na đang dần hồi phục, sẽ nẩy mầm, tán lộc, ra hoa đúng kế hoạch. 

Hiện nay, HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh đã cải tạo ghép toàn bộ diện tích trồng na địa phương sang trồng na Thái, Đài Loan và na sầu riêng. Các giống na này có ưu điểm cho quả to, ít hạt và ít nhiễm sâu bệnh; sản phẩm quả bán giá cao gấp 2-3 lần so với giống na cũ. Ngoài ra, HTX còn kết hợp các biện pháp kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, điều tiết nước tưới, thụ phấn để rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch. Hằng năm, diện tích na của HTX cho thu hoạch trên 600 tấn/năm. Riêng năm 2022, tổng doanh thu gần 40 tỷ đồng.

Các hộ trồng na xã Cò Nòi ứng dụng cơ giới hoá vào việc làm đất.

Hiện nay, huyện Mai Sơn có gần 600 ha na; trong đó, trên 200 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt gần 5.500 tấn; tập trung tại các xã Hát Lót, Cò Nòi, Nà Bó và thị trấn Hát Lót. Huyện đã quy hoạch, đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất na theo hướng hàng hóa; khuyến khích người dân tiến hành các biện pháp thâm canh, áp dụng sản xuất an toàn, đưa các loại giống có chất lượng cao, thời gian thu hoạch khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Ngay từ đầu vụ, huyện tích cực tuyên truyền các hộ trồng na tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây, kịp thời có biện pháp xử lý. Vận động, hướng dẫn các hộ dân thực hiện tốt quy trình sản xuất an toàn; cử cán bộ chuyên môn phụ trách bám nắm cơ sở, kịp thời hỗ trợ người dân và tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc na. Đến nay, toàn bộ diện tích na của huyện phát triển tốt, hứa hẹn đem lại những mùa vụ hiệu quả kinh tế cao.

Với sự nỗ lực của các hộ sản xuất và hỗ trợ của các ngành chức năng huyện Mai Sơn trong chăm bón, cải tạo cây na sau thu hoạch, sẽ là yếu tố tiên quyết đảm bảo năng suất, chất lượng na; góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng và giữ vững thương hiệu na Mai Sơn.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới