Khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế chủ lực

Sau giải phóng tỉnh Sơn La năm 1952, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có gì, phải đến 10 năm sau, ngày 1/5/1962, Xí nghiệp điện nước 1/5 mới được thành lập, với nhiệm vụ chính là phục vụ sản xuất và cung cấp điện chiếu sáng cho nhân dân. Đây là cơ sở phát điện đầu tiên phục vụ hoạt động của trung tâm hành chính Khu tự trịThái Mèo, là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành điện Sơn La.

Thi công đưa điện lưới quốc gia về các bản chưa có điện của huyện Mai Sơn

Ngay sau khi thành lập, ngành điện Sơn La phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô khi đó chỉ có 3 tổ máy phát điện diezen, mỗi tổ công suất 100 KW, 2 tổ đặt tại nhà máy nước, công suất mỗi tổ 125 KW và 3 trục đường dây 6 kV, với 30 cán bộ, công nhân. Giai đoạn 1964-1972, thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành Điện Sơn La. Năm 1965, sau khi Xí nghiệp điện nước được tách ra thành 2 đơn vị, Xí nghiệp điện 1/5 sơ tán lên xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu để đảm bảo an toàn, phục vụ sản xuất của các cơ sở xí nghiệp và cấp điện cho các cơ quan của tỉnh.

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, một bộ phận Xí nghiệp điện 1/5 được chuyển về thị xã Sơn La để thành lập tổ phát điện Khau Cả phục vụ trung tâm hành chính của tỉnh. Năm 1977, Xí nghiệp chuyển từ nơi sơ tán Chiềng Pấc Thuận Châu về thị xã Sơn La và đặt tại địa điểm Công ty Điện lực Sơn La hiện nay.

Thực hiện chủ trương của tỉnh phát triển nhanh về nguồn và lưới điện, ngày 26/3/1978, Nhà máy điện 2/9 được khởi công xây dựng với 4 tổ máy diezen, tổng công suất 1,6 MW và khánh thành vào ngày 2/9/1980. Tiếp đó, Nhà máy thủy điện Chiềng Ngàm công suất 2,5 MW được đầu tư xây dựng, năm 1987 đi vào vận hành. Giai đoạn này, ngành điện Sơn La đã có đội ngũ cán bộ, công nhân đủ khả năng vận hành, sửa chữa thiết bị điện có công suất lớn, hiện đại. Cùng với đó, các cơ sở phát điện ở các huyện trong tỉnh cũng được quan tâm đầu tư xây dựng.

Ông Trần Duy Trinh, Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La cho biết: Ngày 13/3/1990, Bộ Năng lượng ra quyết định thành lập Sở Điện lực Sơn La trực thuộc Công ty Điện lực 1. Đây là bước ngoặt khi hợp nhất các cơ sở phát điện trong tỉnh về một đầu mối, các trạm điện từ các huyện trong tỉnh được giao về cho Sở Điện lực Sơn La quản lý. Các chi nhánh điện được thành lập có nhiệm vụ quản lý nguồn điện, lưới điện và tổ chức thực hiện sản xuất truyền tải và kinh doanh bán điện trên địa bàn các huyện; công tác tổ chức, quản lý vận hành đi vào một quy trình thống nhất. Ngành điện Sơn La bước vào thời kỳ phát triển, với quan điểm “Không có điện, không thể phát triển kinh tế”, tỉnh Sơn La đã huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vốn từ các dự án và huy động vốn trong nhân dân để đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện.

Dấu ấn để ngành điện Sơn La có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hiện đại hóa, đó là ngày 25/12/2000, Điện lực Sơn La thanh lý 6 tổ máy diezen cuối cùng, hoàn thành sứ mệnh của một thế hệ kỹ thuật cơ khí, bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ tăng tốc, phát triển lưới điện để đáp ứng nhu cầu điện năng và phụ tải cho các khu kinh tế trọng điểm và các vùng nông thôn trong tỉnh.

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn hết sức khó khăn, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không riêng tỉnh Sơn La, nhu cầu điện trong cả nước tăng cao, nguồn cung không đáp ứng đủ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn điện kéo dài.

Ngày 16/12/2002, Quốc hội ra Nghị quyết về phương án xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Ngày 2/12/2005, công trình chính thức khởi công xây dựng. Việc đầu tư xây dựng công trình thủy điện Sơn La đã tạo điều kiện cho tỉnh Sơn La sắp xếp lại dân cư, với nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ, giúp bà con thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất tại các vùng tái định cư, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên.

Sau 7 năm xây dựng, ngày 23/12/2012, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cắt băng khánh thành công trình thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện trung bình mỗi năm đạt trên 10 tỷ kWh.

Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn lưới điện, tỉnh ta đã phê duyệt quy hoạch 76 thủy điện nhỏ, tổng công suất lắp máy hơn 907 MW. Đến nay, đã có 56 dự án hoàn thành phát điện lên lưới điện quốc gia, với công suất gần 665 MW. Việc quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện nhỏ bảo đảm đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần bảo đảm nguồn lưới điện và an ninh năng lượng quốc gia.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Trung ương và địa phương cùng thực hiện, ngành Điện đã tham mưu cho tỉnh lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đưa điện về vùng nông thôn. Bắt đầu từ năm 2012, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh chương trình điện khí hóa nông thôn, khởi đầu là thực hiện Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc Sơn La, với tổng mức đầu tư 557 tỷ 821 triệu đồng. Đây là một dự án có quy mô lớn, xây dựng toàn bộ hệ thống điện trung thế, hạ thế trên địa bàn 11 huyện, thành phố, cấp điện cho 557 bản thuộc 106 xã, với tổng số 30.157 hộ dân. Mặc dù việc triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, do các bản chưa có điện chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, địa hình hiểm trở.

Theo thống kê, đến hết năm 2012, toàn tỉnh có hơn 80% số hộ có điện và còn hơn 300 bản chưa có điện lưới quốc gia. Để triển khai dự án đúng tiến độ, tỉnh ta đã huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền, vận động tạo sự ủng hộ của nhân dân. Tiếp theo đó, giai đoạn 2016-2020, ngành Điện tiếp tục triển khai Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân chưa có điện tỉnh Sơn La, Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện trên địa bàn 4 huyện (Thuận Châu, Mường La, Phù Yên và Bắc Yên) và Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia... Các dự án hoàn thành đã cấp điện cho gần 52.000 hộ, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Đến nay, hệ thống điện lưới quốc gia đã được đầu tư xây dựng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, với 98,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Ngành Điện đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế chủ lực, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, QP-AN và mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới