Huy Bắc tập trung phát triển kinh tế

Những năm qua, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Các mô hình kinh tế như: Nuôi dúi, nuôi bò nhốt chuồng, lúa hữu cơ... đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế và ngày càng được nhân rộng trên địa bàn.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân xã Huy Bắc, huyện Phù Yên.

Xã Huy Bắc giáp với thị trấn Phù Yên và nằm dọc quốc lộ 37, một phần diện tích cánh đồng Mường Tấc thuộc địa bàn xã; đây là điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa, nông sản. Bà Vì Thị Kếp, Chủ tịch UBND xã Huy Bắc cho biết: Xã căn cứ đặc điểm, điều kiện tự nhiên và lợi thế của các bản để định hướng phát triển kinh tế. Hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân tiếp cận với các chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Các hội, đoàn thể xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Yên tạo điều kiện cho trên 400 hộ dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, với tổng dư nợ trên 21 tỷ đồng; từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, đã có 20 hộ được vay vốn ưu đãi gần 1 tỷ đồng.

Xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thu hút đông đảo nhân dân trong xã tham gia. Vận động người dân tích cực thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ người dân học tập, xây dựng nhiều mô hình kinh tế tổng hợp. Đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất lúa hữu cơ tại các bản: Phai Làng, Dèm Thượng, Dèm Hạ, hiện đã mở rộng quy mô trên 30 ha. Hiện, bà con đã thay thế 100% diện tích trồng các giống lúa cũ năng suất thấp bằng các giống lúa chất lượng cao như BC15, Đài thơm tám... Áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) nhằm nâng cao năng suất và giảm chi phí trong thâm canh lúa.

Thời điểm này, trên các cánh đồng ở xã Huy Bắc, nông dân bận rộn với việc trồng và chăm sóc các loại rau, đậu vụ đông. So với mọi năm, tiến độ gieo trồng vụ đông năm nay sớm hơn, với các loại cây trồng: 5 ha ngô, 5 ha bắp cải, 12,5 ha tỏi, rau, đậu. Cũng như nhiều hộ dân trong bản Nà Phái, vụ đông năm nay, gia đình chị Vì Thị Kiều gieo trồng đậu cô ve, tỏi trên 4.000 m2 đất ruộng. Chị Kiều chia sẻ: Thu hoạch lúa xong, gia đình tôi khẩn trương gieo trồng các loại cây màu cho kịp thời vụ. Ngoài trồng các loại rau gia vị như hành, húng, rau thơm, vụ đông năm nay, tôi còn trồng thêm tỏi, đậu cô ve. 3 năm nay, nhờ sản xuất vụ đông với các loại rau màu, gia đình có thu nhập ổn định hơn 40 triệu đồng/vụ.

Kim Tân một trong những bản có kinh tế phát triển của xã, người dân năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, vì vậy bản có 42 hộ, hiện chỉ còn 1 hộ nghèo. Mô hình nuôi dúi đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, hiện bản Kim Tân có 17 hộ nuôi dúi sinh sản, hộ ít 50 đôi, hộ nhiều 300 đôi. Giá dúi hiện nay khoảng 400 nghìn đồng/kg; đối với dúi sinh sản, mỗi đôi bán 1,4 triệu đồng. Ông Đặng Văn Phích, bản Kim Tân, chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi nuôi lợn, nhưng từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, gia đình chuyển sang nuôi dúi, đây là loại vật nuôi có sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Hiện nay, gia đình tôi duy trì nuôi gần 300 con dúi, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình trên 150 triệu đồng/năm.

Xã định hướng cho người dân phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại tập trung, đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò nhốt chuồng. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành các khu chăn nuôi tập trung, quy mô tại các bản, như: Phai Làng, Tọ Thượng, Suối Làng... Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã Huy Bắc đạt trên 1.500 con trâu, bò, gần 2.000 con lợn, gần 600 con dê, ngựa. Để chủ động thức ăn cho đàn vật nuôi, xã vận động nhân dân tận dụng đất trống trồng hơn 43 ha cỏ phục vụ cho chăn nuôi, đảm bảo lượng thức ăn cho gia súc, nhất là những tháng mùa đông. Nhiều hộ đã thoát nghèo, kinh tế khá giả nhờ chăn nuôi gia súc, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm như: Gia đình ông Vì Văn Tân, bản Tọ Thượng có 14 con trâu, bò; ông Hà Văn An, bản Tọ Thượng, nuôi 21 con bò, 8 con ngựa bạch...

Nhờ được tiếp cận với các nguồn vốn, đầu tư phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, đến nay, thu nhập bình quân của xã hiện đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7%. Từ thực tế kinh nghiệm sản xuất và hiệu quả mà các mô hình kinh tế đem lại, xã Huy Bắc đang tiếp tục vận động nhân dân nhân rộng các mô hình, từng bước nâng cao hiệu quả tăng thu nhập; phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm; định hướng chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; tăng cường tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... mở ra nhiều cơ hội để người dân xã Huy Bắc làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới