Dồm Cang nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Những năm qua, xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp, đã vận động nhân dân lựa chọn cây, con giống phù hợp với lợi thế địa phương, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: Trồng cây ăn quả có múi, bí xanh cao sản, cây cà phê, trồng cỏ nuôi gia súc nhốt chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân.

Ông Lò Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, cho biết: Xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, với tổng dư nợ trên 23 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân. Khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Vườn bí xanh cao sản của hộ dân bản Dồm, xã Dồm Cang.

Theo bà con trong xã, cây bí xanh cao sản được trồng ở xã từ năm 2022 khi có mấy hộ dân ở bản Cang đi học tập mô hình và thực hiện trồng gần 1 ha bí. Thấy có hiệu quả, thu nhập khá từ trồng bí xanh cao sản, nhiều hộ trong xã học hỏi và làm theo. Năm 2023, có 25 hộ dân ở các bản Cang, Dồm, Hổi Dồm, Khá Men đã trồng gần 4 ha bí. Sau hơn 2 tháng trồng, cây bí xanh của nhiều hộ dân đã thu hoạch từ 2 - 3 lứa quả. Ước sản lượng đạt hơn 35 - 40 tấn quả/ha/vụ.

Cuối tháng 2/2023, gia đình chị Tòng Thị Anh, bản Dồm trồng 1.700 m2 bí xanh cao sản. Sau 2 lần thu hoạch được hơn 1 tấn quả, bán gần 20 triệu đồng. Chị Anh cho biết: Trồng bí xanh cao sản không vất vả mà lại cho thu nhập cao. Mỗi lứa thu hoạch cách nhau từ 20 đến 25 ngày; thương lái đến mua tận vườn. Hiện tại, bí xanh bán với giá 9.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Vụ bí xanh này, gia đình tôi ước thu trên 20 tấn quả, bán được trên 180 triệu đồng.

Các hộ dân bản Dồm, xã Dồm Cang trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả có múi.

Bên cạnh đó, bà con trong xã còn trồng 255 ha cây cà phê, trong đó 190 ha đã cho thu hoạch quả, sản lượng đạt trung bình 250 tấn hạt khô/năm. Đồng thời, trồng 215 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, bưởi, nhãn, xoài ghép, sản lượng đạt 450 tấn quả/năm.

Trong chăn nuôi, xã Dồm Cang định hướng cho nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại tập trung. Vận động nhân dân tận dụng đất hoang, đất vườn tạp trồng gần 60 ha cỏ phục vụ nuôi trên 4.300 gia súc; đồng thời, nuôi hơn 37.000 con gia cầm.

Đến thăm mô hình kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông Tòng Văn Phan, bản Cang. Năm 2017, gia đình ông Phan vay 40 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông đã đầu tư nuôi 3 con bò nhốt chuồng, gần 20 con dê sinh sản, nuôi gà thả đồi, kết hợp trồng hơn 3 ha cà phê, xoài, nhãn ghép. Ông Phan chia sẻ: Mỗi năm gia đình tôi thu hoạch hơn 15 tấn quả cà phê, 5 tấn xoài, 3 tạ gà thịt, 2 tạ dê thịt, tổng thu nhập trên 300 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi dê và gà thả đồi, vì chi phí đầu tư thấp, không lo đầu ra sản phẩm.

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng của hộ dân bản Cang, xã Dồm Cang.

Qua rà soát năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Dồm Cang giảm còn 11,7%. Xã có 4 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 40 hộ cấp huyện, trên 100 hộ cấp xã và có hơn 80 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên.

Những mô hình kinh tế hiệu quả sẽ là động lực để nhân dân xã Dồm Cang tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết thành lập các HTX trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới