Định hướng đúng để phát triển kinh tế hiệu quả

Nằm trong vùng có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng bộ xã Mường Bon, huyện Mai Sơn đã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất phù hợp, tạo sự bứt phá mạnh mẽ, nâng cao thu nhập của người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên cao nguyên Nà Sản.

Mô hình trồng rau chân vịt của nhân dân bản Bon, cung cấp cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.

Ông Lường Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã Mường Bon, cho biết: Hằng năm, Đảng bộ xã đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, tiếp tục lấy nông nghiệp làm trọng tâm và tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, mở rộng các loại hình sản xuất. Hằng tháng, Đảng ủy phân công các đồng chí Đảng ủy viên về dự sinh hoạt với các chi bộ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp trong lãnh đạo phát triển kinh tế. Chỉ đạo các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn.

Bản Mai Tiên, với điều kiện đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào thuận lợi để trồng rau màu phục vụ thị trường. Ông Phạm Ngọc Đậu, Bí thư chi bộ, chia sẻ: Xác định trồng rau màu là cây trồng chủ lực, Chi bộ, Ban quản lý bản đã tích cực tuyên truyền người dân sản xuất rau sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật đối với giống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bón phân bón hữu cơ. Sản phẩm rau được người tiêu dùng ưa chuộng, đầu ra ổn định. Hiện nay, cả bản trồng gần 10 ha rau màu, năng suất đạt 30 tấn/ha.

Bám sát Nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế, các đảng viên luôn nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động người dân thâm canh tăng vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu, như đảng viên Lò Thị Thiển, bản Lẳm chuyển đổi 1,2 ha trồng ngô sang trồng xoài Đài Loan; Đinh Văn Tuấn, bản Xa Căn với mô hình nuôi đại gia súc nhốt chuồng; Tòng Văn Thu, bản Mé với mô hình nuôi cá thương phẩm... cho thu nhập vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Đến thăm mô hình kinh tế nuôi cá, kết hợp dịch vụ câu cá giải trí của đảng viên Tòng Văn Ngọc, Chi bộ bản Ỏ, dịp cuối tuần, luôn đông khách. Ông Tòng Văn Ngọc cho biết: Gia đình có 7.000 m2 ao nuôi cá, kết hợp mở dịch vụ câu cá giải trí và dịch vụ ăn uống; cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. Tận dụng nguồn nước dồi dào từ hồ Tiền Phong, tôi vận động và chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong bản phát triển mô hình kinh tế nuôi cá ao. Đến nay, cả bản có trên 20 hộ nuôi với gần 4 ha. Nhiều gia đình có thu nhập từ 150-300 triệu đồng, thậm chí có hộ thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

Gương mẫu, tiên phong của các đảng viên đã tạo động lực, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền xã. Hằng năm, nhân dân xã Mường Bon thâm canh 400 ha rau màu; gieo cấy 160 ha lúa; trồng gần 330 ha mía, 500 ha cây ăn quả các loại. Duy trì nuôi gần 6.000 con gia súc và 20.300 con gia cầm; 35 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Thành lập 5 HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...

Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay, các tổ chức hội, đoàn thể trong xã nhận ủy thác từ các ngân hàng trên 25 tỷ đồng cho hàng trăm hội viên, đoàn viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,2%.

Kinh tế phát triển đúng hướng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Trong bước đi tiếp theo, Đảng bộ xã Mường Bon tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế; góp phần đưa xã về đích nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới