Xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh

Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa hoạt động sở hữu trí tuệ về xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh được triển khai hiệu quả, tạo chỗ đứng vững chắc cho nông sản Sơn La trên thị trường, nâng cao thu nhập nông dân, thúc đẩy nông nghiệp bứt phá. Nhân Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Phóng viên Báo Sơn La có cuộc phỏng vấn ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về vấn đề này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra mô hình trồng giống xoài mới tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.

Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ về xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La những năm qua?

Ông Lưu Bình Khiêm: Trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh ta đã triển khai 24 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; cấp 20 văn bằng bảo hộ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, nâng số lượng sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ toàn tỉnh lên 24 sản phẩm, gồm: 3 chỉ dẫn địa lý, 18 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể; trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài theo Hiệp định AVFTA là chè Shan Tuyết và quả xoài tròn Yên Châu.

Trong quý I/2022, Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã xét, đánh giá các đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện từ năm 2022 lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Qua báo cáo, đề xuất 11 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các thành viên Hội đồng đánh giá, nhất trí chọn 8/11 nhiệm vụ đáp ứng đủ điều kiện trình UBND tỉnh Sơn La phê duyệt đưa vào danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ từ năm 2022.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của sở hữu trí tuệ?

Ông Lưu Bình Khiêm: Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm; hạn chế các vi phạm, như: Tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác. Xét về lâu dài, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh, đóng vai trò tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế.

Việc bảo hộ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, được cấp văn bằng bảo hộ đã phát huy được giá trị, mở rộng vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, dây chuyền công nghệ tiên tiến thực hiện chế biến sâu sản phẩm, như: Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La; Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm công nghệ cao của Tập đoàn TH; Nhà máy chế biến cà phê Sơn La của Công ty cổ phần Phúc Sinh... Đồng thời, hỗ trợ hình thành và thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp, HTX; gắn kết với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Phóng viên: Giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Lưu Bình Khiêm: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, Sở đang bám sát tinh thần chỉ đạo tại Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 04/3/2021 của UBND tỉnh Sơn La về triển khai thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ theo hướng kiến tạo và hiệu quả; xác định củng cố các đầu mối chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan ở địa phương. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số.

Thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, đề xuất và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp khoa học - công nghệ, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới đối với các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề mang địa danh của tỉnh; hỗ trợ hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh... Ngoài ra, chú trọng đào tạo chuyên gia quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Duy Tùng (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới