Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đa dạng hóa các mô hình sản xuất để phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh ở từng vùng, thu hoạch rải đều các mùa trong năm, được huyện Yên Châu chỉ đạo triển khai quyết liệt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

                                       

Cán bộ nông, lâm xã Phiêng Khoài hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật thâm canh lê Tai Nung.

             

Vườn lê Tai Nung của HTX Kiên Cường, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu vụ nào cũng trĩu quả, được bao trái đảm bảo chất lượng nên thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận vườn thu mua đến đó; giá bán đạt 60-65 nghìn đồng/kg quả loại 1 (3-4 quả/1 kg); 35-40 nghìn đồng/kg quả loại 2 (5-6 quả/kg); 20-25 nghìn đồng/kg quả loại 3 (bán xô). Anh Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có 7 thành viên trồng 20 ha lê Tai Nung. Các thành viên đã ứng dụng các thiết bị máy móc vào sản xuất, như: Máy xới cỏ, máy phát cỏ, máy cày, máy phun thuốc và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 100% diện tích; bao trái để quả lê có mẫu mã đẹp. Do đó, năng suất lê đạt từ 10-12 tấn/ha/năm; sản lượng hằng năm hơn 200 tấn; thương lái từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến thu mua đều khen lê ngon, ngọt.

             

Còn HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng đã xuất khẩu nhãn sang nhiều thị trường ngoài nước, đặc biệt là thị trường Mỹ. HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường nước ngoài. Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có 100 ha cây ăn quả; trong đó, có hơn 80 ha nhãn được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; các thành viên tuân thủ nghiêm việc chăm sóc vườn nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, như: Sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và đảm bảo đúng liều lượng, thời gian cách ly và ghi nhật ký chăm sóc cây ăn quả rõ ràng.

             

Yên Châu có gần 11.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 65.600 tấn/năm. Năng suất, chất lượng các vườn cây ăn quả được nâng lên nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, như: Ghép nhãn chín muộn; thay thế một số cây ăn quả kém hiệu quả bằng giống xoài Úc, Thái Lan, xoài tượng da xanh; cải tạo lai ghép xoài tròn; chọn lọc giống, chăm sóc, tưới ẩm, tưới nhỏ giọt... Từ năm 2020 đến nay, huyện Yên Châu đã triển khai, thực hiện 46 mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ghép nhãn; trồng chăm sóc xoài tượng da xanh, xoài tròn, lê Tai Nung cho nhân dân các xã: Phiêng Khoài, Mường Lựm, Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Tú Nang, Lóng Phiêng...

             

Cùng với quy hoạch, Yên Châu đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện về phát triển cây ăn quả. Nhờ đó, đã hình thành chuỗi sản xuất cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa, thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả có lợi thế từng vùng, như: Xoài tròn ở các xã: Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt; xoài tượng da xanh ở Chiềng Hặc, Tú Nang; nhãn Lóng Phiêng; mận Phiêng Khoài, Yên Sơn.

             

Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây ăn quả được các HTX và người dân trên địa bàn huyện nhân rộng; sản phẩm quả chiếm lĩnh được thị trường trong nước và đáp ứng thị trường xuất khẩu. Năm 2022, sản lượng xoài, mận, nhãn của huyện dự kiến đạt 48.578 tấn. Hiện nay, các sản phẩm quả đang xuất bán với giá cao gấp 2 lần so với năm 2021 và được tiêu thụ đến các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, sản phẩm xoài của huyện còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Toàn huyện đã tiêu thụ trên 19.200 tấn mận, với giá trung bình từ 12.000 đồng/kg; tiêu thụ trên 3.420 tấn chuối, giá trung bình 3.500 đồng/kg; tiêu thụ gần 8.200 tấn xoài, giá 9.000 đồng/kg, trong đó có gần 1.275 tấn xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

             

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thông tin: Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Yên Châu đã cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, xác định các lĩnh vực mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và tiềm năng phát triển nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững; quy hoạch và triển khai xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất các loại sản phẩm nông sản mà huyện có tiềm năng, lợi thế, phù hợp với thị trường, bảo đảm phát triển bền vững cả ba khía cạnh kinh tế - xã hội và môi trường. Triển khai hỗ trợ mô hình tưới nhỏ giọt cho các HTX, với quy mô 250 ha cây ăn quả; triển khai thí điểm trạm quan trắc thông minh tại xã Sặp Vạt và xã Phiêng Khoài giúp cảnh báo thời tiết, cảnh báo cháy rừng, lũ quét, phòng trừ sâu bệnh hại trên địa bàn.

             

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương cùng với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã tạo nên bức tranh nông nghiệp nhiều khởi sắc, giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới