Vì sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao Kim Bon

Từ trung tâm huyện Phù Yên mất gần 2 giờ đồng hồ, vượt dốc dựng đứng, qua những cung đường mù sương, chúng tôi có mặt tại Trường PTDT bán trú tiểu học - THCS Kim Bon. Đến đây mới phần nào thấu hiểu những vất vả, khó khăn của các thầy, cô giáo nơi vùng cao nỗ lực hết mình, mang con chữ đến với học sinh thân yêu.

Trường PTDT bán trú tiểu học - THCS Kim Bon, xã Kim Bon, huyện Phù Yên.

 

Kim Bon là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, có 2 dân tộc Mông và Dao cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm 86%. Địa hình ở đây chủ yếu là đồi núi dốc, chia cắt, dân cư không tập trung. Cách đây vài năm, cung đường này thực sự là thử thách không nhỏ đối với các thầy cô giáo, ngày nắng thì đường bụi mù, mưa xuống thì bùn lầy đường bùn lầy, trơn trượt. Hiện nay, cung đường đến trung tâm xã đã được trải nhưa, nhưng do thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhiều đoạn bị xuống cấp đi lại khó khăn, nguy hiểm. Đón chúng tôi thầy giáo Cầm Văn Thân, Hiệu trưởng nhà trường. Thầy tâm sự về sự nghệp gần 20 năm trong ngành, từng công tác tại nhiều xã khó khăn như Mường Bang, Đá Đỏ, đến năm 2013, thầy chuyển đến Kim Bon cho đến nay.

Thầy Thân cho biết: Nhà trường hiện có 1.464 học sinh, học tại điểm trường trung tâm và 8 điểm lẻ ở các bản. Trong số này, có 704 học sinh ở bán trú được tổ chức nấu ăn tập trung. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu chỗ ăn nghỉ cho học sinh nhưng các em ngoan và hiếu học lắm, đây chính là động lực động viên gần 100 cán bộ, giáo viên nhà trường, vượt qua khó khăn, đoàn kết cùng nhau tận tâm truyền dạy kiến thức cho các em học sinh. 

Giờ học của cô và trò Trường PTDT bán trú tiểu học - THCS Kim Bon.

 

Với số lượng học sinh bán trú nhiều, để đảm bảo cho các em được học tập và sinh hoạt trong môi trường tốt nhất, ngay từ đầu năm học nhà trường tiến hành tu sửa cơ sở vật chất, chỗ ăn, chỗ ở của học sinh. Hiện nay, nhà trường có 17 phòng ở dành cho học sinh bán trú. Căn cứ định mức được hỗ trợ nhà trường cân đối tổ chức nấu cho học sinh ngày ăn 3 bữa, giúp các em đảm bảo sức khỏe để học tập. Đồng thời, xây dựng nội quy bán trú, thời gian biểu, phân công giáo viên trực, quản lý học sinh học sinh bán trú, rèn cho học sinh bán trú ăn ở, sinh hoạt theo đúng nền nếp. 

Em Giàng A Phư, lớp 5 A4, thật thà nói: Nhà em ở bản Trung Thành cách trường gần 10 km. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ đi làm ăn xa, em phải ở với ông bà. Đến trường, chúng em được các thầy cô luôn tận tâm dạy học, chăm lo từ bữa ăn giấc ngủ, như những người cha, người mẹ thứ 2 của chúng em.  

Phát cơm cho học sinh bán trú khối tiểu học.

 

Nói về nghề, thầy giáo Đặng Văn Duội, người có thâm niên 23 năm “gieo chữ” xã vùng cao Kim Bon, chia sẻ: Để bám trụ ở vùng cao phải yêu ngành, yêu nghề mới vượt qua được thách thức của sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt. Trước đây quan niệm của họ là “Cái chữ không ăn được, ở nhà làm nương để lấy gạo ăn thôi”. Không chịu bỏ cuộc, với phương châm "mưa dầm, thấm lâu" các thầy cô thuyết phục, "Cái chữ không ăn được nhưng rất quan trọng cho tương lai, có cái chữ mới có tri thức, kiến thức để xóa đói nghèo", từ đó người dân mới dần hiểu ra và cho con em đi học tiếp.  

Bữa ăn của học sinh bán trú khối THCS.

 

Tại điểm trường Suối On, một trong 8 điểm lẻ xa nhất của nhà trường, cách trung tâm xã khoảng 11km đường đất, có vợ chồng cô giáo Cầm Thị Dương và thầy giáo Cầm Văn Kiều đã gắn bó với Kim Bon gần chục năm nay. Hiện hai vợ chồng có 1 cháu nhỏ phải gửi ông bà dưới thị trấn Phù Yên chăm sóc. Cô Dương kể: Những ngày mưa đi lại khó khăn lắm, xe máy phải dùng dây xích cuốn vào bánh đề hạn chế trơn trượt. Đường đất, dốc cao, mưa trơn nên việc bị ngã hay đổ xe là chuyện bình thường. Nhiều hôm giữa trời mưa, gió lạnh các thầy cô hỗ trợ nhau đẩy xe ngược dốc để vào điểm trường. Bù lại học sinh nơi đây ngoan, gần gũi, tình cảm lắm, các em chính là động lực để các thầy cô bám trường lớp, nỗ lực giảng dạy thật tốt.   

Các thầy cô giáo giao lưu bóng chuyền nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

 

Với những nỗ lực cố gắng của các thầy cô giáo, những năm học qua, chất lượng giáo dục của nhà trường chuyển biến rất tích cực, tỷ lệ học hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt gần 97%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm gần 20%...Đây là kết quả rất đáng ghi nhận đối với một nhà trường vùng cao còn nhiều khó khăn như Kim Bon.

Vùng cao, nơi thử thách lòng nhiệt huyết của các những thầy giáo, cô giáo. Các thầy cô giáo đều hiểu, mỗi con chữ mang đến cho học sinh là vô cùng quý giá, được đánh đổi bằng công sức, trí tuệ và cả tuổi thanh xuân, dù vậy những “kỹ sư tâm hồn” vẫn vượt lên tất cả, miệt mài từng ngày “gieo chữ”, thắp sáng tri thức cho con em đồng bào các dân tộc vùng cao.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới