Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số

Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã có nhiều giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng tiếng Việt, đặc biệt là cho trẻ mầm non, giúp trẻ có tự tin khi bước vào lớp 1.

Lồng ghép việc phát triển tiếng Việt cho trẻ tại Trường mầm non Hoa Ban, xã Chiềng Bằng.

Năm học 2022-2023, huyện Quỳnh Nhai có 14 trường mầm non, 232 nhóm lớp, với tổng số 4.817 trẻ, trong đó trẻ dân tộc thiểu số chiếm gần 97%. Bà Bùi Thị Anh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Giúp các em có thêm vốn từ vựng, phát triển tiếng Việt một cách toàn diện và đạt hiệu quả tốt nhất, ngay từ đầu năm học, Phòng đã yêu cầu các trường mầm non trên địa bàn huyện, thực hiện lồng ghép các phương pháp thực hiện nội dung giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn, cho cán bộ, giáo viên triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Chỉ đạo các trường mầm non huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng, đồ chơi hỗ trợ việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

Trong quá trình triển khai, các trường mầm non chủ động gắn tăng cường tiếng Việt cho trẻ với các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”... tạo môi trường tốt cho trẻ rèn luyện. Giáo viên các nhóm lớp xây dựng “Góc tiếng Việt”, “Góc địa phương”, “Thư viện xanh”... tạo môi trường để trẻ em được khám phá, trải nghiệm và trau dồi vốn tiếng Việt. Chủ động lồng ghép vào các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa và các tiết học ngoài trời; bổ sung thêm các tiết học giao tiếp, đối thoại giữa trẻ với giáo viên và trẻ với trẻ, giúp trẻ tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt.

Trường mầm non Hoa Ban, xã Chiềng Bằng, hiện có 404 trẻ theo học tại 21 nhóm lớp, trong đó trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 99% số trẻ. Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ, trường đã thực hiện 5 lĩnh vực hoạt động, như: phát triển thể chất, nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội. Lồng ghép việc học tiếng Việt thông qua các hoạt động ngoại khóa, tổ chức các lễ hội, trò chơi dân gian, các hoạt động trải nghiệm...

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng, cho biết: Triển khai đề án, nhà trường đã xây dựng một số chuyên đề phù hợp với thực tế và khả năng nhận thức của trẻ, như tăng cường trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; nâng cao năng lực của giáo viên. Đồng thời, chú trọng việc sửa lỗi phát âm cho trẻ khi phát âm những từ khó hoặc bị ngọng; đưa các bài giảng điện tử vào trong các tiết học giúp trẻ hứng thú và dễ tiếp thu hơn; tăng cường thêm các tiết học lồng ghép việc giao tiếp, đối thoại qua các tiết học. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh tăng cường giao tiếp với trẻ trong thời gian ở nhà thông qua việc nói chuyện, kể chuyện và giới thiệu về các phong tục tập quán của dân tộc mình.

Anh Quàng Văn Ngắm, bản Bung Én, xã Chiềng Bằng, chia sẻ: Trước khi cho con đi học tại Trường mầm non Hoa Ban, khả năng nói tiếng Việt của cháu còn hạn chế. Sau 3 năm được các cô giáo trong nhà trường dạy dỗ, cùng sự phối hợp với phụ huynh, hiện nay con tôi đã có thể nói rất rõ tiếng Việt. Không những vậy, cháu còn phát âm rất chuẩn và tự tin trong giao tiếp.

Để nâng cao hiệu quả công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Nhai đang tập trung đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho đội ngũ giáo viên mầm non. Khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ, từ đó giúp trẻ có thêm vốn từ vựng và giao tiếp tốt, tự tin khi bước vào bậc tiểu học.

Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới