Nâng cao hiệu quả hoạt động các trường học sau sáp nhập

Những năm qua, thực hiện Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục - đào tạo ở tỉnh Sơn La đã đạt được kết quả tích cực, như: giảm 255 đơn vị sự nghiệp trực thuộc huyện, 556 đầu mối thuộc đơn vị sự nghiệp cấp huyện; giảm 304 biên chế, 3 lãnh đạo đơn vị sự nghiệp thuộc sở; 510 lãnh đạo, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện; 988 lãnh đạo đầu mối đơn vị sự nghiệp thuộc huyện.... Các đơn vị nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Những kết quả đạt được

Giờ học của cô và trò Trường tiểu học và THCS Ninh Thuận, huyện Thuận Châu.

Tại Thành phố, thực hiện Đề án đã sáp nhập 18 đơn vị trường học để thành lập 9 trường học mới. Thành phố hiện có 36 đơn vị trường học; đã điều động, luân chuyển, bố trí 8 hiệu trưởng xuống làm phó hiệu trưởng; luân chuyển vị trí công tác 10 phó hiệu trưởng; điều động toàn bộ giáo viên, nhân viên, lao động hợp đồng đến đơn vị mới thành lập trên cơ sở sáp nhập các trường; hằng năm giảm hơn 1,7 tỷ đồng kinh phí chi hoạt động của các trường; giảm chi phụ cấp chức vụ lãnh đạo hơn 203 triệu đồng; bộ máy trường, lớp học đảm bảo tinh gọn, nhân sự dôi dư ở các trường sau sáp nhập được sắp xếp bổ sung cho các trường còn đang thiếu, đảm bảo đúng vị trí việc làm; các trường khai thác hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cô giáo Lê Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Quyết Tâm (Thành phố), cho biết: Trường được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường tiểu học Quyết Tâm và Trường THCS Quyết Tâm vào năm 2018. Sau sáp nhập, nhà trường đã sắp xếp lại bộ máy, thu gọn được đầu mối, giảm 1 hiệu trưởng, 1 kế toán và nhiều chức danh của tổ chức công đoàn và đoàn thể. Sau sáp nhập, quy mô phát triển của trường có xu hướng mở rộng, chất lượng giáo dục học sinh ngày càng ổn định và nâng cao qua từng năm học. Đầu năm 2020, nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Giờ tin học tại Trường tiểu học và THCS Quyết Tâm, Thành phố.

Còn huyện Thuận Châu, trước thời điểm năm 2019 có 108 trường học trực thuộc, với 225 cán bộ quản lý; sau sáp nhập đến nay, huyện có 78 đơn vị trường học, với 192 cán bộ quản lý. Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu, cho biết: Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn huyện giảm đầu mối từ chi bộ đến các nhà trường, các tổ chuyên môn và các tổ chức công đoàn; số lượng giáo viên của các tổ chuyên môn nâng lên, tạo ra sự trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong triển khai công tác.

Thực hiện Đề án, đến nay, toàn tỉnh đã giảm 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở (sáp nhập Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh với Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh); giảm 255 đơn vị sự nghiệp trực thuộc huyện, 556 đầu mối thuộc đơn vị sự nghiệp cấp huyện; giảm 304 biên chế, 3 lãnh đạo đơn vị sự nghiệp thuộc sở; 510 lãnh đạo, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện; 988 lãnh đạo đầu mối đơn vị sự nghiệp thuộc huyện; 1 đơn vị tự chủ 1 phần kinh phí. 

Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động; tình trạng lớp học có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao đã dần khắc phục; nhiều điểm trường đã được dồn ghép, sáp nhập vào các trường chính, nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành hệ thống các trường liên cấp có quy mô lớn hơn. Sau sáp nhập, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên của các đơn vị thực hiện phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn và vị trí việc làm; các đơn vị trường học kiện toàn tổ chức đảng, đoàn thể, hội đồng, các tổ chuyên môn, xây dựng quy chế hoạt động; thực hiện kiểm kê, quản lý tài chính, tài sản, đất đai; xây dựng phương án xử lý cơ sở vật chất theo đúng quy định của pháp luật…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh những thuận lợi, việc sáp nhập các cơ sở giáo dục cũng phát sinh một số vấn đề, như: Việc bố trí số lượng giáo viên cũng gặp khó khăn, nhất là giáo viên tham gia dạy học cả 2 cấp học, di chuyển đến các điểm trường khác nhau. Một số trường trước khi sáp nhập là trường bán trú nhưng sau khi sáp nhập không đảm bảo tiêu chí học sinh ở bán trú, nên không được hưởng chế độ, chính sách của trường bán trú. Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều đơn vị trường sau sáp nhập còn thiếu, như: Hệ thống phòng học chức năng, thư viện, thí nghiệm, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh, công trình nước và các hạng mục phụ trợ khác chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ dạy và học. Việc dồn ghép các điểm trường lẻ về các điểm trung tâm gặp khó khăn do diện tích khuôn viên, cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ nuôi dạy bán trú ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các nhà trường....

Khắc phục những khó khăn này, các trường học đã linh hoạt các hoạt động dạy học, như: Đối với các trường thiếu phòng thực hành Âm nhạc, Mỹ thuật sẽ phải bố trí học sinh học ngay trên lớp học; luân chuyển cán bộ, giáo viên giảng dạy ở cấp tiểu học, THCS phù hợp năng lực chuyên môn. Các trường tích cực rà soát, ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy và học; tạo điều kiện cho quản lý, giáo viên tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ; bố trí giáo viên cho các đơn vị trường học. Các trường học tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường, thiết thực, sát với chương trình học và đối tượng đội ngũ cán bộ, giáo viên từng trường.

Ông Vũ Văn Hùng, Hiệu phó Trường tiểu học và THCS Yên Sơn huyện Yên Châu nói: Sau khi sáp nhập, trường có 557 học sinh, với 23 lớp học; do thiếu phòng học chức năng tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học và thực hành, nhà trường đã khắc phục các hoạt động dạy học, như; đối với môn tin học, nhà trường bố trí dồn 2 lớp để học sinh được thực hành máy; còn đối với môn Âm nhạc đã đầu tư xây dựng thêm 1 phòng học riêng để học sinh học hát và không ảnh hưởng đến các lớp học khác.

Còn tại Trường tiểu học và THCS Quyết Tâm, thành phố với khó khăn thiếu giáo viên môn tin học, nhà trường đã điều động 1 giáo viên vừa dạy cấp tiểu học, vừa dạy thêm giờ 2 tiết/tuần đối với cấp THCS. Hằng năm, nhà trường cũng kiến nghị các cấp trên quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các phòng học chức năng để học sinh được học trong điều kiện tốt nhất.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc, ngành đang tập trung đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị các đơn vị sau sáp nhập, bảo đảm chặt chẽ. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế để các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động trong việc tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động sự nghiệp tăng nguồn thu; giao quyền tự chủ (hoặc tự chủ một phần), tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên. Đồng thời, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền có lộ trình tách trường đối với những trường có nhiều điểm trường, điểm trường xa nhau, đi lại khó khăn, quy mô lớn, số lớp lớn, học sinh đông...

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT sau sáp nhập tại huyện Thuận Châu  

Với tinh thần đồng thuận cao với chủ trương của tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục nghiên cứu, thực hiện sát nhập các trường học đủ điều kiện, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh dành các nguồn lực và xã hội hóa đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học. Làm tốt công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về chủ trương sáp nhập các đơn vị trường học, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới