Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ

Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, bồi đắp lý tưởng, tình yêu quê hương, nhiều trường học trong tỉnh đã quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh tại các khu di tích lịch sử cách mạng.

Học sinh Trường tiểu học Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu hoạt động ngoại khóa.

Những ngày đầu năm, Trường THCS Phiêng Khoài, huyện Yên Châu tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào ở bản Lao Khô. Cô giáo Phạm Thị Loan Anh, giáo viên dạy môn Lịch sử của trường đã giới thiệu giá trị lịch sử của di tích, câu chuyện về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng đã hết lòng sẻ chia, giúp đỡ các đồng chí lãnh đạo nước bạn Lào của người dân bản Lao Khô. Dòng chảy lịch sử, niềm tự hào truyền thống cách mạng trên mảnh đất quê hương theo giọng nói truyền cảm của cô như thấm vào suy nghĩ mỗi học sinh.

Em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 7A, Trường THCS Phiêng Khoài, cho biết: Qua các buổi ngoại khóa, trải nghiệm thực tế và những lời kể của cô giáo đã giúp chúng em hiểu rõ hơn về những hy sinh gian khổ của cha ông, tình cảm hữu nghị truyền thống được vun đắp qua các thế hệ. Chúng em sẽ quyết tâm học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông và cùng góp sức bảo tồn di tích của địa phương.

Cô giáo Phạm Thị Loan Anh chia sẻ: Chương trình giáo dục truyền thống cho học sinh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của nhà trường trong mỗi năm học. Hoạt động này, không chỉ được lồng ghép trong các giờ học, chương trình giáo dục địa phương, ngày càng trở nên hấp dẫn hơn qua các hình thức ngoại khóa, trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn.

Tại Trường tiểu học Chiềng Sơn, xã biên giới của huyện Mộc Châu, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa luôn gắn liền với giá trị di sản, di tích lịch sử cho học sinh. Thầy giáo Quách Công Cường, Hiệu trưởng, cho biết: Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hình thức trải nghiệm được nhà trường thường xuyên tổ chức tại các di tích lịch sử, như Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, Đồn Mộc Lỵ, Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu...

Cùng với đó, nhà trường còn phối hợp với các các lực lượng vũ trang trên địa bàn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các cột mốc biên giới để học sinh hiểu những kiến thức lịch sử, về nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc giới và những việc làm của các chiến sỹ, từ đó nhân lên tình yêu biên cương Tổ quốc ở các em.

Em Vì Thị Hoa, học sinh lớp 3C, Trường tiểu học Chiềng Sơn, nói: Vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng em được thầy, cô giáo đưa đi tham quan thực tế tại Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến. Được tận mắt chứng kiến những kỷ vật của các chiến sĩ đoàn Tây Tiến trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đã giúp chúng em hiểu và cảm phục ý chí kiên cường, sự hy sinh của các chiến sỹ để giành độc lập tự do cho dân tộc.

Hiện nay, toàn tỉnh có 63 điểm di tích lịch sử được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích quốc gia và Di tích cấp tỉnh. Cùng với việc truyền dạy kiến thức, để học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử, hằng năm, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các tiết học, hoạt động thực tế tại các di tích lịch sử của địa phương. Đây là hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tế, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương. Từ đó, các em biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mình trong học tập, rèn luyện, dựng xây quê hương.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới