Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 12 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Địa bàn rộng, địa hình đồi núi chia cắt, nhiều xã, bản trong tỉnh giao thông đi lại khó khăn, nhiều em nhà cách xa trường từ 5, 10 có khi 20 km. Con đường đến trường cách trở, phải băng rừng, lội suối, vượt đèo nên các phụ huynh học sinh dựng lều lán tạm cho con, gửi nhờ nhà người quen, thuê trọ, cho con ở bán trú để tiện đi học.

Nhớ lại, cách đây hơn 10 năm khi đến xã vùng cao Háng Đồng, huyện Bắc Yên, những lều siêu vẹo của các em học sinh bán trú bám vào triền núi thấp thoáng trong làn sương mù bao phủ trong cái lạnh thấu xương. Sau mỗi buổi học, dăm ba em chừng từ 8-10 tuổi chụm đầu nhóm bếp, nấu cơm mặt mũi lấm lem nhọ nồi; bữa ăn chỉ có măng ớt, nồi canh rau rừng; không bát, không đũa, mỗi em một cái thìa để xúc ăn. Ngoài ăn uống kham khổ, học sinh ở Háng Đồng và các xã vùng cao Bắc Yên còn phải chống chọi với thời tiết rất khắc nghiệt. Mùa mưa, các tuyến đường thường sạt lở, mặt đường trơn trượt, lầy lội khó đi. Mùa đông sương mù ẩm ướt, nhiệt độ thường ở mức dưới 5 độ C, nhiều em học sinh không chịu được đã bỏ học.

Hay chuyến công tác tại xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu cách đây hơn chục năm, đến bây giờ vẫn còn nhớ cảm giác khói sặc sụa cay xè mắt khi đứng ở khe trống giữa hai dãy nhà bán trú, được lợp tạm bằng mấy tấm Fi-bro-xi-măng tận dụng làm bếp khi học sinh nổi lửa nấu cơm. Bữa cơm của từng nhóm học sinh chỉ có một nồi cơm gạo đỏ và nồi rau lèo tèo vài ngọn.

Những tâm sự của học sinh vùng cao vẫn còn lưu lại trên bài viết “Khó của học sinh nội trú Trường tiểu học Co Mạ” đã đăng báo Sơn La hồi đó:

Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người tại nhiều xã khó khăn của huyện Thuận Châu, thầy giáo Đào Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Co Mạ 2, chia sẻ, cảm thông với các em học sinh nơi đây. Thầy Hùng kể lại: Trước đây, khi chưa thực hiện nấu ăn cho học sinh bán trú, học sinh vất vả lắm, việc duy trì sĩ số của các trường gặp nhiều khó khăn. Chứng kiến các em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học còn bé lại phải tự lo cơm nước với những bữa cơm đạm bạc, thương lắm!. Các thầy cô thường xuyên chia sẻ, động viên các em cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực học tập. Nhiều thầy cô bỏ tiền túi, vận động mua mỳ tôm, áo ấm cho các em, nhưng chỉ đỡ được phần nào đó, bởi đa số các em thuộc diện khó khăn.

Còn nhiều, rất nhiều những vất vả khó khăn của học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh không thể kể hết. Thêm nữa, do đời sống không ít người dân còn khó khăn, nên phó mặc con em tự lo việc sinh hoạt, ăn uống trong những ngày đến trường. Những bữa cơm đạm bạc với muối trắng, rau rừng là hình ảnh quen thuộc đối với các em học sinh bán trú. Những học sinh ở bán trú tại trường với điều kiện thiếu điện, thiếu nhà tắm, thiếu bếp nấu ăn…

Khá hơn như khu nhà bán trú của Trường THCS Long Hẹ, huyện Thuận Châu có khoảng gần 20 ô bếp mái lợp Fi-brô-xi măng, mỗi ô khoảng 1 m2. Người ngồi nấu ăn với tư thế nửa trong, nửa ngoài, nắng thì rát lưng, nếu mưa ướt hết quần áo. Với học sinh ở lều lán tạm thì càng thiếu thốn trăm bề. Ăn không đủ no, quần áo không đủ mặc, nhiều em không đảm bảo sức khỏe học tập, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học vào thời điểm mùa vụ hay mùa giáp hạt thường xuyên xảy ra. Tình trạng bỏ học kéo theo hệ lụy tảo hôn diễn ra ở nhiều nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các thầy cô ngoài việc dạy học còn phải đi bộ băng rừng đến tận các bản xa xôi vận động phụ huynh cho các em đến trường.

Với trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, các đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh quan tâm lắng nghe tiếng nói của nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp xúc cử tri và chuyển tới các cấp ủy Đảng, chính quyền về những khó khăn vất vả của học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh. Thực tiễn lúc đó đặt ra yêu cầu là cần có nghị quyết chuyên đề, tập trung vào vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Và cuối năm học 2012-2013 tỉnh Sơn La đã tổ chức thí điểm nấu ăn tập trung tại Trường phổ thông cơ sở xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên. 

Bà Lê Thị Loan, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhớ lại: Khi tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú ở Trường PTCS xã Háng Đồng đã khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học; các em có nhiều thời gian học bài và làm bài trước khi lên lớp, kết quả học tập được nâng lên; chất lượng bữa ăn, sức khỏe của học sinh cũng bảo đảm hơn.

Bà Mai Thu Hương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, thời điểm đó là thành viên Ban Văn hóa, Xã hội của HĐND tỉnh, kể: HĐND tỉnh giao Ban Văn hóa, Xã hội khảo sát thực tế ở nhiều địa bàn và căn cứ vào báo cáo thực trạng của Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp. Từ đó, xác định tổ chức nấu ăn bán trú cần giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất là hỗ trợ về cơ sở vật chất nhà bếp, dụng cụ nấu ăn; hai là quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh; ba là quy định mức hỗ trợ cho người chăm nuôi học sinh.

Với quan điểm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân, xác định nhân dân là chủ thể và trung tâm của mọi chính sách, các đại biểu HĐND đã tập trung trí tuệ bàn bạc, vận dụng các chính sách hiện hành của Trung ương cụ thể hóa vào chính sách đặc thù của tỉnh; cân nhắc phân bổ nguồn lực hợp lý trong điều kiện khả năng của địa phương.

Với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và sự mong đợi của nhân dân, ngày 12/12/2013 HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 61/2013/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Sơn La, giải quyết 3 vấn đề đặt ra theo yêu cầu thực tiễn khảo sát.

Căn cứ nghị quyết và đánh giá rút kinh nghiệm triển khai mô hình, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện khảo sát cơ sở vật chất, số lượng học sinh bán trú; nhân rộng mô hình nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú, ngay trong năm học 2013-2014 đã có 131 trường tổ chức nấu ăn tập trung với 13.358 học sinh ăn bán trú tại trường, tạo bước ngoặt lớn trong phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Xuyên suốt quá trình thực hiện chủ trương nấu ăn cho học sinh bán trú, là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, bản. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 956 ngày 16/1/2014 phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể trong quá trình thực hiện chủ trương nấu ăn tập trung tại các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu cấp ủy, HĐND, UBND các cấp tập trung chỉ đạo, tạo phong trào với sự tham gia có hiệu quả của các địa phương; huy động tổng hợp các nguồn lực trong  nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, đội ngũ giáo viên để đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức nấu ăn, nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú; có sự tham gia giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, nhà trường và phụ huynh học sinh. UBND tỉnh đã cụ thể hóa kịp thời và triển khai thực hiện sâu sát.

Bà Mai Thu Hương, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nguyên thành viên Ban Văn hóa, Xã hội HĐND tỉnh, khẳng định: Các chính sách của HĐND tỉnh ban hành rất phù hợp thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; vì thế nhanh chóng đi vào cuộc sống được nhân dân các dân tộc đồng tình ủng hộ và phấn khởi thực hiện. Tiêu chuẩn hỗ trợ gạo, tiền được chuyển đến tận trường, trao tận tay các em. Các tổ chức Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội cha mẹ học sinh… đều đã vào cuộc tạo thành phong trào thi đua sâu rộng và được nhân dân đồng tình ủng hộ với những mô hình thiết thực, như “Bếp ăn cho em”, “Vườn rau cho con”... 

Hiệu quả của chính sách là ngoài nguồn ngân sách của nhà nước đã phát huy nội lực, sự ủng hộ tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công, để làm nhà bếp, nhà ăn, nhà bán trú, giúp đỡ, tạo điều kiện để các trường thực hiện tốt việc tổ chức nấu ăn tập trung. Các nhà trường còn tổ chức tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em học sinh. Bởi vậy, những lều học siêu vẹo, những bữa ăn đạm bạc... đã lùi vào qua khứ, thay vào đó là những nhà bán trú khang trang, nhà ăn sạch sẽ, thoáng mát, những bữa cơm đầy đủ chất được chuẩn bị phục vụ các em học sinh.

Chủ trương, nghị quyết đúng, trúng, bắt nguồn từ cơ sở, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và học sinh các dân tộc đã được các cấp của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cụ thể hóa bằng nhiều việc làm, thiết thực đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tỷ lệ bỏ học giảm, đến trường tăng, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên. Chính sách còn tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, đó là gia đình yên tâm cho con đi học, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Bạn có thể quan tâm