Dân tộc Dao hiện có 7 nhóm khác nhau nhưng phổ biến trên địa bàn tỉnh Sơn La là đồng bào Dao đỏ và Dao tiền. Trong đó, bà con người Dao tiền sinh sống chủ yếu ở các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu, Phù Yên. Hòa cùng dòng chảy của thời gian, bà con vẫn lưu giữ các nghi lễ tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. 

Hiện nay, đồng bào Dao còn duy trì các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, như: Lễ Cấp sắc, tết nhảy, cúng tạ ơn, lễ đưa dâu và nhập khẩu cô dâu… Mỗi nghi lễ được thực hiện bởi nhiều hoạt động, nghi thức, ý nghĩa khác nhau. Trong đó, lễ Cấp sắc là thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của gia đình, của bản.

Tái hiện nghi lễ cấp sắc tại Hoạt động trải nghiệm Sắc màu văn hóa Dao tiền tại Bảo tàng tỉnh.

Cùng chung ý nghĩa là người đàn ông được đặt tên âm, được học những giáo lý về đạo đức, về nhân sinh quan nhưng ở mỗi nhóm người Dao, nghi lễ Cấp sắc lại được tổ chức với quy mô và nghi thức khác nhau. Trong đó, người Dao tiền tại Sơn La có điểm khác biệt đó là: Nghi lễ được tổ chức trong nhà (một số nhóm Dao khác tổ chức cấp sắc từ trong nhà ra ngoài trời); thời gian tổ chức 3 ngày 2 đêm hoặc rút gọn xuống còn 2 ngày 1 đêm (các nhóm Dao khác tổ chức thời gian dài hơn, thậm chí đến 7 ngày); lễ cấp sắc chỉ làm 3 đèn, chỉ trưởng họ mới được làm lễ 12 đèn (các nhóm dao khác thường làm từ 7 đến 12 đèn)…

Năm 2017, tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, Lễ cấp sắc của người Dao tiền Sơn La được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nghi lễ Siêu Panh và Pái Nháng trong Lễ Tết nhảy của dòng họ Triệu (người Dao tiền) tại tiểu khu Tà Lọong, thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu.

Lễ hội cầu mùa (còn gọi là tết nhảy) là lễ hội lớn nhất của các dòng họ dân tộc Dao, có ý nghĩa tạ ơn và cầu phúc, cầu lộc, mong một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu đến với dòng họ và bà con trong bản. Nếu như các nhóm Dao khác, cầu mùa được tổ chức phần lễ và phần hội, chuẩn bị kỳ công từ lễ vật đến trang phục cho người làm lễ thì ở nhóm người Dao tiền chỉ tổ chức phần lễ. Gồm các nghi thức: Khai lễ (khoi nháng), vào lễ (púng nháng), tạ ơn (pái nháng), vòng xòe (chuột dung) và kết thúc lễ (siêu nháng). Việc tổ chức lễ không quá cầu kỳ, chủ yếu là bày trí các bức tượng thần linh, cây sấu (ma clấu đéng) và cây trò chỉ (ba đào), thể hiện cuộc sống gần gũi, gắn chặt với thiên nhiên.

Người Dao đều sử dụng bộ chữ nôm Dao, được xây dựng từ các ký tự hán dùng để phiên âm và ghi lại tiếng nói của dân tộc. Trong đó, 2 bộ sách lớn nhất là Bộ sách giáo khoa, dùng cho việc dạy học gồm 15 cuốn, truyền dạy về lịch sử dân tộc, giáo dục đạo đức, triết lý nhân sinh; Bộ “Tôm dung sâu” (trường ca) với 36 chương, được ghi chép bằng chữ nôm Dao, nói về những câu chuyện cổ, quá trình hình thành và phát triển của thần linh, tổ tiên, con cháu đồng bào dân tộc Dao. Dân ca Dao có 2 nhóm: Páo dung trong nghi lễ tín ngưỡng và páo dung trong sinh hoạt.

Tôm dung sâu (trường ca) trong nghi lễ cấp sắc.
Lớp học chữ Nôm Dao tại tiểu khu Tà Loọng, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Tiếng nói của người Dao tiền có sự khác biệt với các nhóm Dao khác nên khi đọc chữ nôm hoặc hát dân ca trong các nghi lễ tín ngưỡng và trong đời sống sinh hoạt đời thường cũng có sự khác biệt… Những năm gần đây, để bảo tồn vốn tri thức quý giá của dân tộc, không ít già làng, người có uy tín, người am hiểu về dân ca trong cộng đồng dân tộc Dao tiền trên địa bàn tỉnh đã liên kết tổ chức dạy chữ nôm và dạy hát dân ca Dao. Các lớp học đã thu hút bà con đồng bào Dao từ 10 tuổi đến 70 tuổi tham gia.

Các gia đình người Dao tiền truyền dạy “Páo dung” trong nghi lễ cúng tạ ơn cho con cháu.

Dân tộc Dao có 7 nhóm, nhưng chỉ có duy nhất nhóm người Dao tiền là mặc váy. Trang phục truyền thống của dân tộc Dao tiền gồm: Khăn vấn đầu, dây lưng, áo và váy. Áo không có cúc mà xẻ tà và quấn dây lưng; cổ áo phía sau được sâu 6 đồng bạc trắng, đây là đặc trưng riêng của nhóm người Dao tiền. Dây lưng được dệt bằng chỉ màu, trong đó dây lưng nam có họa tiết màu đen pha trắng; dây lưng nữ có họa tiết màu đỏ pha trắng, thể hiện sự gắn kết trong mối quan hệ của nam, nữ.

Phụ nữ Dao tiền vẫn còn giữ gìn nghề thêu thùa, nhuộm chàm, làm trang phục dân tộc
Họa tiết trên trang phục truyền thống của người Dao tiền.

Trong các nghi lễ: Lễ cấp sắc (Ca tang đàng), Lễ Tết nhảy (Púng nháng), ngoài trang phục bình thường của nam giới, chủ lễ còn đội thêm mũ và khoác thêm áo choàng đỏ (Tôm lui) thể hiện phong thái uy nghiêm, tôn kính.

Những người Thầy trong nghi lễ cấp sắc thường đội mũ và mặc áo choàng.

Văn hóa dân tộc chứa đựng những giá trị nhân văn, cội nguồn của dân tộc và gắn kết cộng đồng Dao tiền bền chặt bao đời nay. Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Dao tiền chính là góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phụ nữ Dao hướng dẫn người trẻ mặc trang phục dân tộc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Bạn có thể quan tâm