Coi trọng vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc bảo đảm và thực thi dân chủ, nỗ lực triển khai nhiều chủ trương, chính sách bảo đảm các quyền dân chủ cho người dân. Trong đó việc quan tâm, coi trọng vai trò kiểm tra, giám sát của người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân trong thực tiễn.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát việc thi công đường rỗng Củ Chi kênh đình, xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát việc thi công đường rỗng Củ Chi kênh đình, xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).

Đảng ta xác định rất rõ, dân chủ chính là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng, đồng thời cũng là mục tiêu, động lực, yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của tiến trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo tinh thần đó, kể từ Đại hội V, Đảng ta đã luôn đề cao việc thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đến Đại hội XIII, Đảng ta nhận thấy để bảo đảm và thực thi dân chủ một cách hiệu quả và thực chất cần phải quán triệt sâu sắc và kiên trì thực hiện tốt nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trong đó cần đặc biệt chú trọng việc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với năng lực, phẩm chất, tinh thần, thái độ, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ nói riêng, cũng như hiệu quả hoạt động của các tổ chức, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở các tỉnh, thành phố, địa phương nói chung.

Việc coi trọng, đề cao vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân là một bước phát triển trong tư duy của Đảng, là sự tiếp nối và khẳng định những nỗ lực không ngừng của Đảng ta trong việc ghi nhận và tăng cường các biện pháp bảo đảm, thực thi dân chủ, hiện thực hóa các quyền dân chủ thật sự cho người dân trong thực tế.

Đến nay, người dân Việt Nam có quyền được biết, được bàn, được tham gia vào những công việc của Nhà nước, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém, sai phạm, khuyết điểm của các tổ chức, cá nhân; phản ánh, tố giác cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý, giúp hạn chế được những tổn thất, thiệt hại cho cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân.

Nhờ đó góp phần nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm, năng lực, hiệu quả hoạt động của mỗi cán bộ, tổ chức, cơ quan, đơn vị, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển chung của đất nước theo những mục tiêu tốt đẹp đã đặt ra. Coi trọng, tăng cường phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của người dân chính là cách thức hữu hiệu để nâng cao hiệu quả tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu tiến trình phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Với quan điểm đúng đắn và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân ở các tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước luôn được trao quyền, và tạo điều kiện để phát huy ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của mình, tích cực, chủ động thực hiện nghiêm túc vai trò kiểm tra, giám sát năng lực, phẩm chất, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp cũng như hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cơ quan công quyền.

Người dân không chỉ chủ động, tích cực theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, tham gia kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ các cấp, quá trình triển khai các chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương,... mà còn theo dõi, giám sát đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ làm việc, ứng xử, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; giám sát, đánh giá cả công tác điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ...

Thực tế cho thấy, thông qua việc tăng cường phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, tố giác, tố cáo của người dân, thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ trong thực hiện các dịch vụ hành chính công, xây dựng nông thôn mới, sai phạm trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội... đã được phát hiện, xử lý.

Trong đó, nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến tham ô, tham nhũng, tiêu cực; sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, đầu tư công, y tế, giáo dục... xuất phát từ việc tiếp nhận tố cáo, phản ánh của người dân. Hay thông qua việc kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, cũng như giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, người dân còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp, ý tưởng mới, những cách làm hiệu quả hơn, hoặc góp ý trực tiếp cho cán bộ để hoàn thiện năng lực, phẩm chất, nâng cao hiệu quả công tác, đấu tranh ngăn chặn những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí gây tổn hại cho cơ quan, đơn vị, tổ chức,...

Bên cạnh đó, với hàng loạt chủ trương, quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc chỉ đạo tạo điều kiện cho người dân được tiếp xúc đối thoại, chất vấn cán bộ; thực hiện bố trí hệ thống camera giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức ở các đơn vị hành chính công; thành lập ban thanh tra nhân dân, các tổ kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan hay theo dõi quá trình triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế của địa phương, đơn vị,... cũng là những bằng chứng rõ ràng cho thấy mong muốn và quyết tâm hiện thực hóa các quyền dân chủ của người dân.

Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị chú trọng công tác tiếp dân, lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá của người dân, bố trí lực lượng sẵn sàng tiếp nhận, phân loại và xử lý kịp thời những thông tin phản ánh, tố cáo, tố giác của người dân về những sai phạm, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, tích cực hoàn thiện cơ chế hữu hiệu để khuyến khích, cổ vũ, bảo vệ người dân dũng cảm đấu tranh, tố giác những hiện tượng, hành vi tiêu cực, tố cáo những cán bộ tham ô, tham nhũng, mắc sai phạm, khuyết điểm, vi phạm pháp luật,...

Thực tiễn cho thấy Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vấn đề phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của người dân, xác định đây là một khâu quan trọng để mở rộng, tăng cường thực thi dân chủ, bảo đảm quyền lực thật sự là của nhân dân, thuộc về nhân dân đồng thời cũng thể hiện rõ quan điểm trọng dân, cần dân, dựa vào dân, “lấy dân làm gốc”.

Không chỉ trong các văn kiện, quy định của Đảng mà cả trong hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước đều ghi nhận rõ quyền và đề cao vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với mọi hoạt động của Nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức và của cả hệ thống tổ chức, cơ sở Đảng các cấp.

Đảng, Nhà nước ta thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị nhanh chóng thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện, phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với năng lực, phẩm chất, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ và các cơ quan công quyền, xây dựng cơ chế hữu hiệu để người dân có thể thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát của mình.

Cụ thể như những quy định cho phép người dân thực hiện giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (ở xã, phường, thị trấn); thông qua hoạt động của các thiết chế đại diện (như đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân), tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội mà mình là thành viên cũng như các tổ chức tự quản khác tại cơ sở. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá: với các quy định như trên, hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng và trong thực hiện các mục tiêu khác của cộng đồng, cơ quan, tổ chức, đơn vị nói chung.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước ta và những thành tựu rõ nét mà chúng ta đã đạt được trong việc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của người dân thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động liên tục có những hành động nhằm chĩa mũi nhọn công kích, bôi nhọ Đảng, tung ra những luận điệu xuyên tạc rằng: “ở Việt Nam không có dân chủ thực sự, dân không được biết, cũng chẳng được bàn bất kể vấn đề gì liên quan đến quá trình phát triển đất nước, chính quyền không phải là của nhân dân mà là của quan chức và chỉ phục vụ cho lợi ích của một nhóm người”.

Thực chất, không khó để nhận ra âm mưu, thủ đoạn chính trị đen tối đằng sau những luận điệu xuyên tạc đó là muốn bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng để rồi từ đó tiến tới xóa bỏ chế độ, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ, tiến bộ, văn minh mà Việt Nam đang xây dựng.

Trên thực tế, hiện nay có lúc có nơi, tại một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn những cán bộ chưa thật sự trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân. Song đó chỉ là một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, yếu kém về năng lực, suy thoái phẩm chất đạo đức.

Việc Đảng ta chỉ đạo tăng cường phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân cũng nhằm để phối hợp phát hiện, tìm ra những cán bộ thoái hóa, biến chất, không xứng đáng là “công bộc” của nhân dân để xử lý, kỷ luật, loại trừ ra khỏi bộ máy quản lý, làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta xác định cần tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền. Làm tốt công tác này chính là góp phần quan trọng thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa dân chủ, tiến bộ, văn minh.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới