Các ý kiến cử tri bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, phần trình bày nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới của lãnh đạo Chính phủ, tôi rất quan tâm đến giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; chú trọng truyền thông chính sách, tuyên truyền, cổ vũ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tăng cường truyền thông chính sách và giá trị tốt đẹp

Theo tôi, trong các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ hiện nay đang được thực hiện rất tích cực, khẩn trương. Các quyết sách cũng được lãnh đạo Trung ương giải quyết, hỗ trợ tối đa cho bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, cổ vũ những nội dung nêu trên lại chưa được nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan truyền thông chú trọng. Với lợi thế của công nghệ, truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội hiện nay, các cơ quan, đơn vị đều có thể tận dụng để lan tỏa những quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các thông tin xấu độc, thù địch liên tục được các đối tượng chống phá lợi dụng để xuyên tạc thì những mô hình hay, gương điển hình, người tốt việc tốt cần càng phải được lan tỏa, nhân rộng để “đè bẹp” cái xấu, cái độc hại. Mạng xã hội hiện nay đang có sức ảnh hưởng, lan tỏa rất lớn trong đời sống xã hội.

Nếu tận dụng được thế mạnh này thì mỗi một người dân dù ở bất cứ nơi đâu; các cơ quan, đơn vị đều có thể tiếp cận, hiểu và nhận thức đúng những nỗ lực, quyết sách của Đảng, Chính phủ cũng như biết đến những tấm gương người tốt, việc tốt để cùng lan tỏa những giá trị tích cực.

PHAN VĂN NGỌ

(Phường Bình Trưng Tây, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh)

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Có thể nói thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh và xử lý cương quyết “không có vùng cấm” rất hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước.

Trong đó, có những vụ việc sai phạm được các ngành chức năng phát hiện, xử lý ở các cơ quan, đơn vị mà nguyên nhân liên quan một số cán bộ yếu kém, tha hóa, biến chất, tư lợi dẫn đến sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước và mất lòng tin của nhân dân.

Chính vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa phòng chống tham nhũng, tiêu cực và coi đây là công tác thường xuyên, liên tục.

Để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực nhằm thu hồi tài sản thất thoát, rất cần sự quyết liệt của các cơ quan chức năng thực hiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng quy trình bổ nhiệm cán bộ ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm... nhằm ngăn ngừa và tránh những sai phạm có thể xảy ra do nguyên nhân chủ quan.

NGUYỄN VĂN VẸN

(Phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)

Việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm

Qua theo dõi báo cáo của Chính phủ bổ sung về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, tôi thấy, kinh tế-xã hội của đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia là: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên cả nước nói chung, ở Đắk Lắk nói riêng còn chậm.

Chính vì vậy, là gặp một số khó khăn, vướng mắc trong ban hành các văn bản quản lý, điều hành, triển khai thực hiện các chương trình theo phân cấp do chưa có hướng dẫn từ các cơ quan Trung ương.

Cùng với đó, một số văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa thống nhất hoặc thiếu phù hợp với một số quy định theo chuyên ngành, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023.

Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

NGUYỄN THANH NGUYÊN

(Xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk)

Doanh nghiệp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn vay

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho thấy, năm 2022 tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, trong đó nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt cao hơn so với dự báo.

Tuy nhiên, tại các địa phương, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực ngoài nhà nước, việc tiếp cận nguồn vốn vay càng khó khăn hơn, trong khi đây là khu vực doanh nghiệp bị tổn thương nhiều nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, lạm phát…

Mặt khác, doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài nhà nước bị hạn chế về vốn quy mô, nguồn lực, thiếu tài sản thế chấp, với mặt bằng lãi suất cao như hiện nay, doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có những chỉ đạo, giải pháp cụ thể, hiệu quả trong việc dành nguồn vốn vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài nhà nước tiếp cận, nhằm khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Tránh tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản vì thiếu vốn như hiện nay.

NGUYỄN QUỐC TUẤN

(02 Lê Bình, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)

Làm rõ trách nhiệm khi giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm 2023 của cả nước mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 18,48%). Trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và một địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch.

Nguyên nhân đã được chỉ rõ khi một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư của một số sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư còn chậm, không đáp ứng thời gian, dẫn đến một số công trình chưa kịp đấu thầu để giải ngân vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những dự án không đủ điều kiện nhưng vẫn làm “ào ào”, trong khi các dự án đầu tư công này, tiền đã có, được tạo điều kiện, đôn đốc liên tục mà làm không xong.

Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu phải quyết liệt hơn với giải ngân vốn đầu tư công, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành. Tuy nhiên tôi thấy rằng, vẫn còn rất ít trường hợp bị kỷ luật vì giải ngân vốn đầu tư công thấp. Chính phủ đã giao nhiệm vụ thì nên có kiểm tra, đánh giá, không hoàn thành phải phê bình, nhắc nhở, xử lý trách nhiệm một cách quyết liệt, làm tốt phải được khen thưởng.

NGUYỄN MINH PHƯƠNG

(Phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới