Thiếu hụt đơn hàng, doanh nghiệp dệt may, da giày gặp khó

Lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng.

Doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn do thiếu đơn hàng.
Doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn do thiếu đơn hàng.

Doanh nghiệp gặp khó

Bắt đầu từ cuối năm 2022 đến nay, những tác động của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao, cùng sự khó khăn của nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang khiến đơn hàng ở nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Nếu như năm trước, dù vẫn còn dịch Covid-19, nhưng lượng đơn hàng vẫn ở mức độ chấp nhận được bởi lượng tiền tích lũy của người dân vẫn còn.

Thế nhưng, bước sang năm 2023, dường như túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp khiến cho doanh số của nhiều đơn vị thời trang sụt giảm từ 20-30% so với mọi năm.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May-Thêu-Đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày vẫn đang tiếp tục tìm kiếm đơn hàng sản xuất cho đến tháng 6/2023, vì hiện nay tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Khả năng phải đến quý II/2023, hoạt động kinh doanh mới thật sự khởi sắc.

Hiện nay, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp có đơn hàng, 30% doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất. Nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày còn thiếu vốn để mở rộng sản xuất khi có đơn hàng mới

-----

Phạm Xuân Hồng,

Chủ tịch Hội May-Thêu-Đan Thành phố Hồ Chí Minh

“Hiện nay, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp có đơn hàng, 30% doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất. Nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày còn thiếu vốn để mở rộng sản xuất khi có đơn hàng mới”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Tình hình khó khăn của doanh nghiệp dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp dệt may.

Ông Vũ Ðức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, quý I năm nay, số đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm từ 25%-27% do sức mua toàn cầu giảm, doanh nghiệp làm hàng gia công chịu áp lực lớn hơn đơn vị làm FOB (mua vật liệu, sản xuất, bán sản phẩm) do không chủ động được thị trường, đầu vào nguyên nhiên liệu...

Hiện, các nhà mua hàng không đặt đơn hàng dài hạn, hàng chục nghìn sản phẩm như trước, họ chỉ đặt đơn hàng ngắn, vài trăm sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn nhằm giữ nhịp độ sản xuất.

Không chỉ doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp da giày cũng đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng.

Nhận định về tình hình xuất khẩu năm 2023, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho rằng, từ quý IV/2022, những ngành xuất khẩu, trong đó có da giày, đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới.

Cụ thể, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày.

“Dự kiến phải đến hết quý II/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng, cũng như lao động của ngành da giày. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành”, bà Xuân chia sẻ.

Dự kiến phải đến hết quý II/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng, cũng như lao động của ngành da giày. Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành.

Phan Thị Thanh Xuân,

Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam

Bên cạnh đó, điều lo lắng với ngành dệt may, da giày hiện nay là sự khan hiếm, cũng như khó khăn trong nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Với các doanh nghiệp lớn, nguồn cung nguyên phụ liệu không khó do chuỗi cung lớn, nhưng khó với doanh nghiệp nhỏ vì đơn hàng đơn lẻ không nhập được. Tình trạng này kéo dài từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay, tuy nhiên đang dần được cải thiện.

Khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và của kinh tế Việt Nam nói chung đã được dự báo trước và đã bắt đầu thể hiện từ quý IV/2022; nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Không chỉ bị sụt giảm số lượng đơn hàng, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ… buộc không ít doanh nghiệp phải thu hẹp lại sản xuất.

Nhiều dự án đầu tư phải đình hoãn hoặc chuyển đổi, thậm chí tạm dừng hoạt động lại để đối phó với những khó khăn và bất lợi trước mắt.

 

Doanh nghiệp chủ động ứng phó

Tình hình khó khăn trong xuất khẩu dệt may, da giày dự kiến sẽ chưa thể kết thúc sớm. Do đó, các doanh nghiệp đã và đang tích cực tìm các giải pháp chủ động ứng phó.

Với ngành dệt may Việt Nam, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2023 tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp trong ngành.

Chính vì vậy, Vinatex đã đề nghị mỗi đơn vị trong ngành cần xây dựng một vài kịch bản thị trường và có giải pháp với từng trường hợp. Đồng thời, chú trọng giảm chi phí và tăng hiệu quả, xem xét chiến lược về cơ cấu sản phẩm, giá cả và tập trung đầu tư cho người lao động.

Ở ngành hàng da giày, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, các giải pháp mà doanh nghiệp đang hướng tới là mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và cố gắng tận dụng tốt các thị trường có FTA mà Việt Nam đã ký kết.

 Thiếu hụt đơn hàng, doanh nghiệp dệt may, da giày gặp khó ảnh 1

Ngành da giày Việt Nam được đánh giá cao vì độ uy tín.

Hiện nay, sản phẩm giày dép của Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc và cũng đã có một số thương hiệu “Made in Việt Nam” khá tốt. Đây là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Theo bà Xuân, Việt Nam hiện được đánh giá là nước khá uy tín trong sản xuất các dòng sản phẩm da giày, đặc biệt là giày thể thao theo các nhãn hàng lớn. Do vậy, Lefaso cũng hy vọng dù lượng tổng cầu suy giảm, nhưng đơn hàng đối với Việt Nam sẽ vẫn được duy trì.

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may-da giày giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035".

Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Đơn cử như tiếp tục duy trì chính sách thuế VAT 8%; có giải pháp hỗ trợ người lao động như cho doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội 1-2 tháng; đồng thời có chính sách ưu đãi về điện, than, vận tải, xăng dầu, dịch vụ cảng biển đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động...

Dù đang đối diện với khó khăn song các doanh nghiệp đang kỳ vọng đơn hàng sẽ nhiều hơn vào quý II và 6 tháng cuối năm.

Một yếu tố quan trọng làm nền tảng cho ngành dệt may tăng trưởng là năng lực chủ động cung ứng nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước.

Hiện, ngành dệt may đã chủ động từ khoảng 50% nguồn cung nguyên phụ liệu. Do đó, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu thuận lợi cả năm nay và có thể đạt kim ngạch 48 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Đứng trước những khó khăn hiện hữu và qua tổng hợp đánh giá tình hình từ nhiều doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhiều chủ doanh nghiệp đang bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động khi mà theo dự báo tình trạng khó khăn này có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý II tới.

Điều quan tâm nhất của doanh nghiệp là, Chính phủ và ngành ngân hàng, tài chính nên tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về vốn vay hay giảm, giãn thuế hoặc rút ngắn thời gian giải quyết các vấn đề về thủ tục.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới