Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số

Ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính. Với mong muốn tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả, việc ứng dụng CNTT trong CCHC được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân và các doanh nghiệp, góp phần thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chu động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

   

Nguyễn Đắc Tĩnh

Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông

   

Những kết quả tích cực

Những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số và gắn với từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của việc hiện đại hóa hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử từng bước hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh và đạt được một số kết quả tích cực.

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan nhà nước cơ bản đáp ứng việc triển khai ứng dụng CNTT, 100% cán bộ công chức viên chức cấp tỉnh, huyện đã được trang bị máy tính phục vụ công việc, 100% máy tính đều được kết nối Internet. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước đã được triển khai, kết nối từ UBND tỉnh đến 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và 204 xã/phường/thị trấn.

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động phục vụ công tác quản lý, điều hành của các ngành và công tác giám sát, điều hành trên mọi lĩnh vực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Hiện nay Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La đã cơ bản cung cấp đầy đủ số liệu, dữ liệu và biểu đồ của các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh và một số cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh.

Duy trì có hiệu quả các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung, cụ thể: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống thông tin phục vụ họp (eCabinet).

Triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh như: (1) Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); (2) Nền tảng Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC (tích hợp các nền tảng: Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; Nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng SOC); (3) Nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; (4) Nền tảng CSDL quốc gia về dân cư; (5) Nền tảng CSDL quốc gia về đất đai; (6) Nền tảng CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; (7) Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCS)...

Ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đã đảm bảo việc trao đổi các văn bản điện tử được nhanh, thuận lợi, đảm bảo an toàn thông tin; tiết kiệm thời gian trình ký và chi phí in sao, chuyển phát tài liệu; Tổng đã cấp 3.621 chữ ký số (cá nhân: 2.852 (đang hoạt động 2.661; hết hiệu lực 4; thu hồi 187); tổ chức: 769 (đang hoạt động 743; thu hồi 26))

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến huyện, xã, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; Đã tiếp nhận 49.233 hồ sơ trực tuyến ở các DVCTT mức độ 3, 4 (trong đó năm 2022: 35.781 hồ sơ, 2 tháng đầu năm 2023: 13.452 hồ sơ);

Công tác đảm bảo an toàn thông tin được triển khai đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; hệ thống giám sát an ninh mạng (SOC) triển khai giám sát, điều phối, tự động hóa và phản ứng an ninh mạng (tại các lớp mạng, lớp máy chủ, lớp ứng dụng) cho hệ thống máy chủ tại trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, bảo vệ các cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước của tỉnh trên nền tảng điện toán đám mây Cloudrity-Silver, hàng năm thực hiện 02 đợt đánh giá lỗ hổng bảo mật hệ thống (Vulnerabitity Assessment).

Giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số vẫn còn nhiều khó khăn như: Nguồn kinh phí triển khai các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển CNTT hàng năm còn hạn chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật về CNTT trong các cơ quan nhà nước hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; Hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đang trong giai đoạn hình thành và từng bước phát triển, còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo hoạt động thống nhất; thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung…, Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của một số ngành, lĩnh vực còn chậm; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; Một số người dân, doanh nghiệp còn chưa tiếp cận, chưa biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến; trình độ hiểu biết, ứng dụng về CNTT của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính.

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đề một số giải pháp như sau:

Nâng cao nhận thức của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước về ứng dụng CNTT và tầm quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Sơn La, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng của tỉnh.

Từng bước thực hiện chuyển đổi hoạt động của các cơ quan nhà nước lên môi trường số; coi chuyển đổi số là bắt buộc, mang tính mặc định, chuyển đổi số phải toàn trình, từ đầu đến cuối. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Giảm bớt thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ tiện ích số mang lại giá trị gia tăng cho mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, thân thiện, dễ dàng sử dụng. Từng bước hình thành văn hoá số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số.

Triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, ứng dụng và phát triển CNTT đảm bảo tuân thủ kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Sơn La và tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung, dùng riêng phục vụ xây dựng chính quyền điện tử tạo nền tảng phát triển chính quyền số. Bổ sung, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT; xây dựng và hoàn thiện các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành góp phần xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Sơn La.

Giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện rà soát các thủ tục hành chính trong phạm vi sở, ngành, UBND huyện, thành phố để xác định và công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình và một phần. Bố trí kinh phí để xây dựng 100% các DVCTT toàn trình đã công bố. Triển khai mạnh mẽ các giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT, cụ thể như: Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 21/5/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Sơn La với quan điểm là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu của cải cách hành chính. Ban hành văn bản giao chỉ tiêu cung cấp DVCTT (tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến,…) cho UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị trực thuộc (nếu có) gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Rà soát, xây dựng quy trình xử lý theo hướng rút ngắn thời gian xử lý đối với hồ sơ nộp trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Triển khai thí điểm không tiếp nhận hồ sơ giấy đối với một số dịch vụ có ít thành phần hồ sơ. Nghiên cứu triển khai Trợ lý ảo hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT. Chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng DVCTT.

Triển khai kết nối dịch vụ công từ Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia: Thành lập tổ triển khai kết nối dịch công từ Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia trong đó giao rõ trách nhiệm từng thành viên trong từng khâu thực hiện. Thường xuyên phối hợp trao đổi với bộ phận kỹ thuật của Văn phòng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn trong việc kết nối các dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Giao chỉ tiêu thực hiện trong từng quý, thường xuyên kiểm tra đánh giá việc thực hiện công việc để kịp thời đôn đốc và tháo gỡ khó khăn. 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới