Chuyển đổi số di sản văn hóa

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang quản lý và bảo quản 24.619 tư liệu, phim, ảnh, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương và quốc gia; trong đó có 11.107 hiện vật và 13.521 tư liệu, phim, ảnh. Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa các tư liệu, hiện vật, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh thực hiện quy trình số hóa di sản văn hóa.

Bảo tồn di sản trên không gian số

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin: Thực hiện Đề án “Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch của UBND tỉnh về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2019, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp hoàn thành kiểm kê, số hóa, cập nhật cơ sở dữ liệu đối với 215 cuốn sách Thái cổ, với 13.439 trang. Đơn vị đang tập trung số hóa các tư liệu, hiện vật khác, từng bước cập nhật vào phần mềm quản lý dữ liệu hiện vật, giúp công tác quản lý, kiểm kê, bảo quản và khai thác dễ dàng các tài liệu, hiện vật có trong kho bảo quản, tránh được hư hỏng, phục vụ tốt công tác nghiên cứu, khoa học, chính xác hơn.

Trên cơ sở kiểm kê tư liệu và các sưu tập hiện vật tại kho bảo tàng, tiến hành phân loại tư liệu, hiện vật có lý lịch và chưa có lý lịch, năm 2020, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng kế hoạch tư liệu hóa, số hóa tư liệu, hiện vật. Đơn vị đã rà soát 2.595 lý lịch hiện vật thuộc Bảo tàng tỉnh, Nhà trưng bày di sản văn hóa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La. Năm 2021 và 2022, đơn vị đã số hóa 560 tư liệu, hiện vật và số hóa hơn 1.800 phim ảnh (chuyển từ âm bản sang dương bản, scan phim âm bản bằng thiết bị chuyên dụng); nhập dữ liệu 271 hồ sơ tư liệu, hiện vật vào phần mềm quản trị hiện vật.

Anh Trần Huy Tùng, Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng, chia sẻ: Chúng tôi đã số hóa hiện vật trên hệ thống phần mềm quản lý với đầy đủ thông tin, từ số đăng ký, số phân loại, tên gọi, nguồn gốc xuất xứ, mô tả hiện vật (lịch sử, chất liệu, kỹ thuật chế tác, sử dụng, tình trạng hiện vật...). Trong quá trình thao tác hết sức cẩn thận, tránh tác động ảnh hưởng đến hiện vật.

Xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa

Thực hiện Đề án của Chính phủ về việc chuyển đổi số di sản văn hóa, Bảo tàng tỉnh đã đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Mục tiêu 100% các di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số. 100% các hồ sơ, tư liệu, hiện vật; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số. 100% số người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết thêm: Trước khi số hóa, phải thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá thực trạng từng tư liệu, hiện vật; sắp xếp khoa học phục vụ lưu trữ trong kho và môi trường mạng trùng khớp nhau tới từng kho, từng kệ, từng hàng, để dễ tìm kiếm và tra cứu. Ưu tiên số hóa các tư liệu giấy trước, do đặc thù dễ hỏng hơn các tư liệu khác và ưu tiên nhập liệu các tư liệu có đầy đủ thông tin trước. Với các tư liệu hiện vật còn thiếu thông tin sẽ cập nhật, bổ sung sau, đảm bảo mỗi hiện vật đều có thông tin lý lịch đủ, sạch, sống. Chúng tôi sẽ tập trung viết bộ thuật từ ví như “chìa khóa” để khai thác tư liệu đã số hóa. Sớm hoàn thiện đề xuất xây dựng nội dung thuyết minh tự động Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, phục vụ khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đặt hàng Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng mô hình tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”, dự kiến đề tài sẽ được nghiệm thu và bàn giao vào cuối năm 2023, góp phần phục vụ khách du lịch được tham quan một loại hình di sản số của tỉnh Sơn La.

Với những nỗ lực trong chuyển đổi số di sản, Bảo tàng tỉnh góp phần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, cũng như phổ biến các giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc; khai thác quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, đảm bảo đáp ứng hiệu quả dịch vụ xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi; bảo tồn được kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới