"Cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh

Với vai trò là cầu nối của chính quyền địa phương, thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời, là lực lượng trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công... Tổ chuyển đổi số cộng đồng đang nỗ lực tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của cuộc sống, tham gia xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số từ cơ sở.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 1.459 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với 8.966 thành viên; trong đó, đã thành lập 204 tổ chuyển đổi số cộng đồng xã, phường với tổng số 1.220 thành viên; thành lập trên 1.255 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp tổ, bản, tiểu khu, với 7.746 thành viên. Các thành viên của tổ gồm có lãnh đạo, đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ, tổ dân phố; trong đó, nòng cốt là lực lượng thanh niên và phụ nữ. Ngoài sự nhiệt tình, tích cực, đòi hỏi họ phải am hiểu về sử dụng nền tảng số, công nghệ số cũng như khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng “ngõ”, “từng hộ gia đình”, đảm bảo tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt, là khu vực nông thôn.

           

ĐVTN xã Chiềng Xôm, Thành phố, hướng dẫn các hộ kinh doanh tải ứng dụng Sơn La Smart. 

           

Việc cài đặt các ứng dụng, phần mềm trên điện thoại mang lại tiện ích cho người dân.  

           

Là thành viên trong Tổ chuyển đổi số cộng đồng của xã, chị Hà Thị Hiền, Bí thư đoàn xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, chia sẻ: Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong tổ, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cho 1.154 người dân cài đặt và sử dụng một số ứng dụng cơ bản, cần thiết, như: Các phầm mềm về thanh toán không dùng tiền mặt, Zalo, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công; sổ sức khỏe điện tử; hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng Sơn La Smart, được người dân nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ bởi mang lại nhiều tiện ích.

           

Còn bà Nguyễn Thị Hà, ở tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, trước đây thường phải mang theo sổ bảo hiểm, căn cước công dân để đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện, nhưng bây giờ chỉ cần mang theo chiếc điện thoại thông minh là có thể làm các thủ tục khám chữa bệnh nhanh chóng. Bà Hà chia sẻ: Sau khi tổ chuyển đổi số cộng đồng của tiểu khu thành lập, tôi được các cháu thanh niên hướng dẫn cài đặt sử dụng ứng dụng VSSID của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và ứng dụng VNeID của Bộ Công an trên điện thoại, giờ đi đâu cũng không lo đánh mất, rơi giấy tờ nữa. Thanh toán tiền điện, tiền nước không phải đến các quầy giao dịch nữa. 

           

Từ ngày Tổ chuyển đổi số cộng đồng của tiểu khu được thành lập và đi vào hoạt động, bà Lê Thị Bống, tiểu khu 1, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, thấy công việc của mình thuận lợi hơn rất nhiều. Bà Bống chia sẻ: Tiểu khu 1 của chúng tôi có hơn 400 hộ dân, trước kia, mỗi lần cần chuyển tải các chỉ đạo của huyện, xã đến với người dân, tôi cùng các cán bộ tiểu khu, nhóm liên gia phải sắp xếp thời gian, chia nhau để đi đến từng nhà dân tuyên truyền, nhắc nhở, vận động nên khá vất vả. Giờ đây, tất cả các thông tin chỉ đạo, hướng dẫn đều được thông tin đến các hộ gia đình một cách nhanh chóng, công khai, minh bạch thông qua nhóm Zalo. Tôi có thể vừa họp tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên vừa có thể truyền tải nội dung chỉ đạo lên nhóm dân cư của mình để triển khai thực hiện ngay, rất tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và người dân ủng hộ, đồng tình rất cao.

           

ĐVTN và Công an xã Chiềng Cọ, Thành phố hướng dẫn người dân cài ứng dụng VNeID của Bộ Công an. 

           

Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ thật dễ dàng, thiết thực. Để tổ chuyển đổi số hoạt động hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 203 điểm cầu, với 1.447 thành viên. Qua đó, cung cấp thông tin cho các thành viên của tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh về các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số; phổ biến khóa học "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông (https://onetouch.mic.gov.vn/pho-cap-ky-nang-so/) đến các thành viên trong tổ và người dân để sử dụng và coi đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng, từ đó, từng bước nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng. 

           

Phường Chiềng Lề, Thành phố, tập huấn chuyển đổi số cho các tổ chuyển đổi số cộng đồng. 

           

Có thể nói, sau một thời gian đi vào hoạt động, các tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy vai trò chủ lực là “cánh tay nối dài” của chính quyền, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại cơ sở, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến từng người dân, từng lĩnh vực của cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa công cuộc xây dựng xã hội số của tỉnh.  

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới