Đồng thuận thực hiện chủ trương sáp nhập bản, tiểu khu

Sáp nhập bản, tiểu khu là chủ trương lớn, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, các địa phương đã tăng cường rà soát, xây dựng phương án, thực hiện quy trình sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Qua các bước triển khai đều được đa số người dân ủng hộ và đồng thuận.

Bản Chiềng Sàng 2, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu tuyên truyền người dân chủ trương sáp nhập.

Thuận Châu trước khi sáp nhập, toàn huyện có 570 bản, trong đó gần 60% số bản có quy mô dưới 100 hộ. Do địa hình chia cắt, dân cư phân bố rải rác, các bản cách xa nhau; quy mô dân số ít, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, phong tục tập quán khác nhau... là những rào cản trong thực hiện chủ trương sáp nhập.

Bà Lường Thùy Dung, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thuận Châu, cho biết: Phòng đã tham mưu với UBND huyện thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở tuyên truyền về chủ trương và lấy ý kiến của nhân dân về phương án sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu. Đảm bảo phải có ít nhất 50% cử tri nhất trí mới trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở. Từ 570 bản, tiểu khu, đến nay, toàn huyện đã sáp nhập thành 355 bản, tiểu khu; cơ bản đạt kế hoạch đề ra.

Tại xã Tông Lạnh, từ tháng 1/2020, bản Hua Nà A và bản Hua Nà B chính thức sáp nhập thành bản Hua Nà với tổng số 220 hộ, gần 1.000 nhân khẩu. Ông Quàng Văn Diêu, Trưởng bản, cho biết: Sau khi sáp nhập, do địa bàn rộng nên việc tập hợp người dân đến tham gia các cuộc sinh hoạt cộng đồng khó khăn. Ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp xây dựng 6 cụm loa truyền thanh, khi có việc cần triển khai thì phát trên loa thông báo, mọi người dân trong bản đều có thể nghe và đến tham dự đầy đủ. Sau sáp nhập, số hộ đông, nên khi bản có công việc cần huy động dân tham gia cũng thuận lợi hơn.

Còn tại huyện Yên Châu, từ năm 2018 đến nay, qua các đợt sáp nhập, tổng số bản trên địa bàn huyện giảm từ 196 bản xuống còn 173 bản. Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, xây dựng dự thảo phương án sắp xếp, sáp nhập; tuyên truyền về chủ trương sáp nhập, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập, tên gọi của bản mới... Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các thủ tục hành chính liên quan cho người dân; xây dựng phương án sinh hoạt bản, tiểu khu theo cụm, khu dân cư để khắc phục tình trạng thừa, thiếu chỗ ngồi tại các nhà văn hóa; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các bí thư chi bộ, trưởng bản và những người hoạt động không chuyên trách ở bản; đầu tư xây dựng các công trình cho các bản sáp nhập.

Giai đoạn từ năm 2018-2022, toàn tỉnh đã thực hiện 5 đợt sắp xếp, sáp nhập bản. Đến nay, toàn tỉnh còn 2.303 bản, giảm 1.021 bản tương ứng giảm 30,71% tổng số bản. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin: Sau sắp xếp, sáp nhập các bản đã giảm được số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách nhà nước, đầu mối giải quyết công việc được thu gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Qua sắp xếp, toàn tỉnh giảm 5.105 chi hội (5 chi hội/bản); giảm 9.189 người hoạt động không chuyên trách và người hưởng mức hỗ trợ; kinh phí tiết kiệm tương ứng khoảng 75 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi bộ bản nâng lên, thể hiện vai trò lãnh đạo ở cơ sở.

Bên cạnh đó, sáp nhập các bản, tiểu khu còn giúp các địa phương huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội, công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, tránh sự dàn trải và lãng phí đầu tư. Việc cơ cấu lại ngành nghề ở nông thôn cũng thuận lợi hơn, bởi quy mô dân số lớn, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tạo điều kiện cho người dân hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung.

Qua 5 năm thực hiện chủ trương sáp nhập, với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của người dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai đảm bảo tiến độ đề ra, bảo đảm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, ban quản lý các bản, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; tạo sức mạnh triển khai các hoạt động, phong trào ở địa phương; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới