Thế giới tuần qua: Tìm giải pháp cho những vấn đề nóng

Cùng với các cuộc thảo luận sôi nổi về nhiều chủ đề nóng trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich 2023 tại Đức, thế giới tuần qua (13-19/2) cũng ghi nhận nhiều sự kiện đáng chú ý như: Nhiều nạn nhân được cứu sống sau hai tuần xảy ra động đất; Bùng phát virus Marburg ở Guinea Xích Đạo; Liên hợp quốc cảnh báo những nguy cơ từ AI; WHO duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa;…

Hội nghị An ninh Munich 2023 thảo luận nhiều vấn đề nóng của thế giới

Ngày 17/2, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 59 bắt đầu diễn ra tại thành phố Munich thuộc bang Bayern, Cộng hòa Liên bang Đức. Hội nghị năm nay thu hút 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước, gần 100 bộ trưởng cùng hàng nghìn chuyên gia về chính sách an ninh đến từ các nước.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich  2023 ở Đức ngày 17/2  (Ảnh: AFP)

Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ 17-19/2, với hàng loạt sự kiện dày đặc về nhiều chủ đề nóng và những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, từ chính trị, kinh tế tới an ninh, quốc phòng, môi trường... Hầu hết lãnh đạo các nước tới dự hội nghị có tham luận hoặc thảo luận bàn tròn trong 3 ngày này. Đại diện Mỹ dự hội nghị lần này gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và khoảng 60 thượng-hạ nghị sĩ. Trong khi đó, đại diện Trung Quốc tham dự hội nghị có ông Vương Nghị (Wang Yi) - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nga không cử đại diện tham dự hội nghị lần này.

Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã có nhiều tác động tới thế giới, việc giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine và việc hỗ trợ, cung cấp vũ khí cho Kyiv chống lại các cuộc tấn công của Nga là chủ đề chính tại Hội nghị An ninh Munich. Một chủ đề bao trùm nữa là tái cấu trúc toàn cầu, trong đó đáng chú ý là trật tự an ninh ở châu Âu. Vấn đề mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), việc gia nhập của Thuỵ Điển và Phần Lan hay nước Anh hậu Brexit đóng vai trò như thế nào trong cấu trúc an ninh châu Âu tương lai cũng là những vấn đề được thảo luận tại hội nghị.

Bên lề hội nghị, nhiều cuộc thảo luận song phương và đa phương được dư luận quốc tế quan tâm, trong đó đáng chú ý là các cuộc gặp có sự tham dự của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ; đại diện Trung Quốc; các cuộc gặp của Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp hay cuộc gặp chung của bộ đôi Đức-Pháp với những nước khác... Giới phân tích cho rằng, những nội dung được thảo luận ngoài hành lang, trong phòng khách hay những phòng họp nhỏ thường có sức hút dư luận rất lớn.

Để đảm bảo an ninh cho Hội nghị An ninh Munich 2023, giới chức Đức đã huy động gần 5.000 cảnh sát được triển khai từ khắp các bang của Đức về làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn ở mức cao nhất trong những ngày diễn ra hội nghị. Một khu vực rộng lớn bao quanh khách sạn Bayerischer Hof và quảng trường Promenadeplatz cũng đã được phong toả, trong khi nhiều biện pháp an ninh nghiêm ngặt được triển khai, với những lớp bảo vệ và kiểm soát nhiều tầng.

Nhiều nạn nhân được cứu sống sau hai tuần xảy ra động đất

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, lực lượng cứu hộ ngày 18/2 đã giải cứu được 3 người còn sống sót, trong đó có 1 trẻ em, ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà ở thành phố Antakya, miền Nam nước này, sau 296 giờ kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng ngày 6/2. 

Ngày 17/2, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng cứu hộ nước này đã giải cứu được 1 bé trai và 2 người đàn ông gần 11 ngày sau khi trận động đất kinh hoàng xảy ra.

 Lực lượng cứu hộ đưa người sống sót ra khỏi đống đổ nát ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh:THX/TTXVN)

Trước đó, ngày 15/2, một người phụ nữ nước ngoài có tên Ela đã được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát sau 228 giờ bị mắc kẹt. Ngày 14/2, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố đoạn video cho thấy lực lượng cứu hộ giải thoát một cụ bà 77 tuổi khỏi đống đổ nát ở thành phố Adiyaman, khoảng 212 giờ sau khi trận động đất xảy ra. Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin, cô Melike İmamoğlu, 45 tuổi, đã được giải cứu sau 222 giờ trong đống đổ nát ở thành phố Kahramanmaras.

 Việc mỗi ngày có thêm những người được cứu sống ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng cứu hộ tiếp tục công việc, đồng thời thắp lên hi vọng về sự sống của rất nhiều người vẫn còn đang mắc kẹt.

Tính đến 16h30' ngày 18/2 (theo giờ Việt Nam), tổng số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng, xảy ra ngày 6/2, tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 45.000 người. Thổ Nhĩ Kỳ thông báo số người thiệt mạng tại nước này là 39.672 người, trong khi con số này ở nước láng giềng Syria là hơn 5.800 người. Số người thiệt mạng tại Syria trong những ngày qua không thay đổi. Tuy nhiên, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng số người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng do có khoảng 264.000 căn hộ ở nước này đã bị phá hủy và vẫn còn nhiều người mất tích. Các đội cứu hộ vẫn đang tích cực chạy đua với thời gian nhằm tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Các tổ chức viện trợ cho biết những người sống sót vẫn cần được giúp đỡ trong thời gian tới do nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy. Trước tình hình trên, ngày 17/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi khoản viện trợ 84,5 triệu USD nhằm đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất kinh hoàng. Trước đó một ngày, Liên hợp quốc cũng kêu gọi hỗ trợ hơn 1 tỷ USD cho hoạt động cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ và 400 triệu USD cho người dân Syria

Bùng phát virus Marburg ở Guinea Xích Đạo

Ngày 13/2, Guinea Xích Đạo (một quốc gia ở bờ biển phía tây của Trung Phi) đã xác nhận đợt bùng phát bệnh đầu tiên do virus Marburg, sau cái chết của ít nhất 9 người ở tỉnh Kie Ntem, miền tây nước này.

 Các kỹ thuật viên nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu Baney ở Malabo, Guinea Xích đạo . (Ảnh: UN)

Theo WHO, quốc gia nhỏ bé ở Trung Phi này đã báo cáo 9 trường hợp tử vong cùng 16 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Marburg, với các triệu chứng được ghi nhận gồm: sốt, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy.

Hiện Guinea Xích đạo đã cách ly hơn 200 người và vào tuần trước, nước này cũng đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại tại tỉnh Kie-Ntem sau khi phát hiện một bệnh sốt xuất huyết không rõ nguyên nhân. 

Theo WHO, virus Marburg là một căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao và gây chết người tương tự như Ebola và có thể có tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được phê duyệt để điều trị bệnh này.

Ngày 14/2, WHO đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận về vấn đề sản xuất vaccine phòng virus Marburg (MARVAC) để thảo luận về đợt bùng phát đầu tiên của virus Marburg tại Ghinea Xích đạo. MARVAC gồm các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vaccine, làm việc cùng nhau để phát triển vaccine chống lại căn bệnh do virus Marburg gây ra.

Marburg là loại virus hiếm gặp, được xác định lần đầu tiên năm 1967. Theo WHO, virus Marburg cùng họ với virus Ebola, có độc lực cao, gây sốt xuất huyết, với tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Năm 2004, đợt bùng phát do virus Marburg đã giết chết 90% trong số 252 người nhiễm bệnh ở Angola. Năm 2022, hai trường hợp tử vong do virus Marburg được báo cáo ở Ghana.

Liên hợp quốc cảnh báo những nguy cơ từ AI

Những bước phát triển mới đây của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra rủi ro lớn đối với quyền con người, do đó cần có cơ chế bảo vệ trước các trường hợp vi phạm. Đây là cảnh báo của Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người Volker Turk ngày 18/2, trong bối cảnh tuần qua có hơn 60 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc kêu gọi phải có quy định về AI để đảm bảo công nghệ này “không phương hại an ninh, ổn định và mức độ đáng tin cậy quốc tế”.

 ChatGPT - một trong những sản phẩm AI mới được ra mắt và thu hút đông đảo người dùng  trên thế giới (Ảnh minh họa: Internet)

Ông Turk bày tỏ quan ngại trước những nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển gần đây của AI. Ông nói: “Các cơ quan quyền con người, phẩm giá và tất cả quyền con người đều đang đối mặt nguy cơ nghiêm trọng. Cần hối thúc mạnh mẽ các chính phủ và doanh nghiệp phát triển nhanh chóng các công cụ bảo vệ hiệu quả (trước AI)".

Công nghệ AI ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống thường ngày, tạo bước đột phá về công cụ tìm kiếm qua mạng internet, thay đổi cách con người theo dõi sức khỏe và mang lại không ít sáng kiến, ví dụ như ứng dụng có khả năng viết mọi nội dung văn bản chỉ trong vài giây, dựa trên những yêu cầu đơn giản. Đã có nhiều ý kiến chỉ trích liên quan đến những vấn đề như vi phạm quyền riêng tư hay các thuật toán mang tính thiên vị.

Đại diện Liên hợp quốc khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ xu hướng hiện nay, hỗ trợ chuyên môn để đảm bảo rằng khía cạnh quyền con người sẽ luôn là yếu tố trung tâm, dù cho công nghệ này có phát triển đến đâu.

WHO vẫn duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/2 cho biết, tiếp tục coi đợt bùng phát bệnh đậu mùa (mpox) ở nhiều quốc gia là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).

 Nữ y tá tiêm vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa mpox cho người dân ở Montpellier, Pháp vào tháng 8/2022 (Ảnh: CFP)

Thông báo của WHO cho biết, các chuyên gia của WHO đã ghi nhận những tiến bộ toàn cầu trong ứng phó với sự bùng phát của bệnh mpox và số lượng các ca bệnh được báo cáo đã giảm trong vài tháng qua.

Tuy nhiên, một số quốc gia tiếp tục ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh kéo dài và có khả năng các trường hợp được phát hiện và xác nhận chưa được báo cáo ở những quốc gia khác. Do đó, ủy ban chuyên gia của WHO và Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đều khẳng định rằng mpox vẫn là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Số liệu thống kê mới nhất của WHO đã chỉ ra rằng, nguy cơ bùng phát mpox toàn cầu hiện nay được đánh giá là vừa phải, trong khi giảm từ trung bình xuống mức thấp ở Khu vực Đông Nam Á. Khu vực Tây Thái Bình Dương được đánh giá ở mức thấp. Hai khu vực là châu Âu và châu Mỹ, nơi báo cáo 95% số ca mpox được chẩn đoán, đã duy trì số lượng trường hợp ổn định trong những tuần gần đây.

Tính tới hết năm 2022, thế giới đã ghi nhận hơn 82.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 110 quốc gia và tỷ lệ tử vong ở mức thấp - 65 trường hợp. WHO đã chính thức đưa ra mức cảnh báo đợt bùng phát bệnh đậu mùa mpox (trước đây gọi là đậu mùa khỉ - monkeyfox) vào tháng 7/2022 ở mức PHEIC – mức cao nhất.

Trong khi đó, về dịch COVID-19, theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến ngày 19/2, thế giới ghi nhận tổng số hơn 678 triệu ca mắc, trong đó hơn 651 triệu ca đã khỏi bệnh và hơn 6,7 triệu ca đã tử vong./.

Theo Báo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới