Các tờ báo lớn của Trung Quốc đồng loạt đưa tin về kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Báo chí Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặt hái nhiều thành quả, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

 Những hình ảnh chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên trang chủ của Hãng Tân Hoa xã  (Ảnh chụp màn hình)

Hãng Tân Hoa xã đưa tin, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễ trang trọng diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 31/10. Tờ báo cũng dẫn lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, huân chương cho thấy tình cảm của đất nước, nhân dân Trung Quốc dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như nhân dân Việt Nam, thể hiện hy vọng của Đảng và nhân dân hai nước về một tương lai tốt đẹp hơn.

Báo China Daily viết, hai nước Trung Quốc và Việt Nam nhất trí tăng cường hợp tác chiến lược, củng cố lòng tin, giải quyết các bất đồng nhằm đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược trong thời đại mới lên một tầm cao mới.

Trong bài viết đăng tải ngày 1/11, Global Times đưa tin, sau cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết một loạt văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có hợp tác giữa hai Đảng, hợp tác kinh tế, thương mại, bảo vệ môi trường, văn hóa - du lịch, tư pháp, hải quan.

Đánh giá về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Global Times dẫn nhận định của chuyên gia nghiên cứu Sun Xiaoying tại Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc) cho rằng, một trong những trọng tâm của chuyến thăm là tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung. Theo chuyên gia này, thị trường lớn của Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế của Việt Nam, đặc biệt cho sản phẩm nông - ngư nghiệp. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tiếp. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số các thành viên ASEAN.

Tờ báo cũng dẫn lời Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Xu Liping nhận định rằng, Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng ở ASEAN và việc tăng cường quan hệ Việt-Trung không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, mà còn hỗ trợ đà phục hồi kinh tế ở châu Á.

Các chuyên gia cũng tin rằng, hai bên "có thể giải quyết các bất đồng một cách hòa bình, vì lợi ích của nhân dân hai nước, bảo vệ hòa bình và thịnh vượng ở khu vực".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau khi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc ngày 22/10, thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước.

Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa tầm ngắn

Ngày 3/11, hãng tin Yonhap dẫn thông báo của quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên lại phóng thêm một tên lửa đạn đạo (ICBM) và hai tên lửa tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này. Vụ việc sáng 3/11 đánh dấu lần thứ bảy Triều Tiên phóng ICBM trong năm nay và là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 5/2022.

 Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, ngày 2/11/2022 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng trong sáng 3/11, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã phát hiện một số tên lửa bay về phía biển Nhật Bản vào khoảng 7 giờ 40 phút. Một quả tên lửa trong số đó đã bay được quãng đường 750 km ở độ cao 2.000 km. Thiết bị này sau đó đã rơi xuống biển Nhật Bản và được giới chức Tokyo phỏng đoán là một tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc tầm trung.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra chỉ một ngày sau khi nước này đã phóng ít nhất 23 tên lửa ra các vùng biển phía Đông và phía Tây của nước này trong ngày 2/11, trong đó có 1 tên lửa rơi gần lãnh hải của Hàn Quốc. Các vụ phóng diễn ra sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ các cuộc tập trận không quân quy mô lớn đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc. Ngay trong ngày 2/11, quân đội Hàn Quốc thông báo đã bắn 3 tên lửa không đối đất về phía bắc biên giới trên biển với Triều Tiên để đáp trả việc Triều Tiên bắn hàng chục quả tên lửa cùng ngày.

Tiếp đó, ngày 5/11, Quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng ra Hoàng Hải. Theo nguồn tin, các tên lửa của Triều Tiên bay xa 130 km và đạt độ cao khoảng 20 km. Vụ phóng tên lửa diễn ra vào ngày cuối cùng của cuộc tập trận không quân chung quy mô lớn đã được kéo dài thêm 1 ngày giữa Hàn Quốc và Mỹ.       

Trước những diễn biến hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh hành động làm gia tăng căng thẳng.

WHO duy trì tình trạng khẩn cấp toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 1/11, Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.

 WHO khẳng định dịch bệnh đậu mùa khỉ vẫn là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (Ảnh: Getty Images)

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan này, tính đến ngày 31/10, thế giới đã có tổng cộng 77.264 ca được xác nhận mắc bệnh thông qua kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm, trong đó có 36 trường hợp đã tử vong.

Hồi tháng 7, WHO lần đầu tiên ban bố PHEIC đối với dịch đậu mùa khỉ để kích hoạt phản ứng phối hợp quốc tế và có thể thúc đẩy công tác tài trợ nhằm hợp tác chia sẻ vaccine và phương pháp điều trị dịch bệnh này trong bối cảnh dịch có dấu hiệu lây lan nhanh.

Kể từ tháng 1/2022, WHO đã nhận được báo cáo về sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ từ 109 nước thành viên trên toàn bộ 6 khu vực của WHO. Từ ngày 13/5, dịch bệnh đậu mùa khỉ đặc biệt lây lan nhanh tại những nước chưa từng ghi nhận ca mắc bệnh này. Hiện Mỹ là nước có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới với 28.377 ca trong đó có 6 ca tử vong theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) nước này.

Liên tiếp các vụ việc đáng tiếc ở sự kiện tập trung đông người

Ngay sau thảm họa giẫm đạp tại khu phố Itaewon, Seoul, Hàn Quốc hôm 29/10 khiến hơn 150 người thiệt mạng, thế giới tuần qua (30/10 – 6/11) chứng kiến nhiều vụ việc đáng tiếc tương tự tại những sự kiện tập trung đông người

* Vụ việc xảy ra vào chiều tối 30/10 khi dây cáp của cầu cáp treo qua sông Machchu thuộc thị trấn Morbi, bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ bị đứt. Vào thời điểm đó, có khoảng gần 500 người đang có mặt ở khu vực cầu để hành lễ trong dịp Lễ hội tôn giáo Diwali. Nhiều người trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Cáp của cầu treo bị đứt đã khiến một phần cấu trúc cầu gãy, làm nhiều người rơi xuống sông Machchu bên dưới. Các nhân chứng cho biết, cây cầu bị sập do không chịu được sức nặng của quá nhiều người. Ít nhất 135 người đã thiệt mạng trong vụ việc này. Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 9 người có liên quan.

* Tờ Times of India hôm 30/10 dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Cộng hoà Dân chủ Congo Daniel Aselo Okito cho biết, ít nhất 11 người đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong một vụ giẫm đạp xảy ta tại lễ hội âm nhạc của ngôi sao người châu Phi Fally Ipupa, tổ chức ở sân vận động Martyrs lớn nhất Thủ đô Kinshasa. Được biết, sân vận động Martyrs, nơi xảy ra vụ việc thương tâm, có sức chứa 80.000 người. Theo các báo cáo, sân vận động này chật cứng người hâm mộ Fally Ipupa trong buổi diễn. Một nhân chứng cho hay "thậm chí các hành lang" của sân vận động cũng đông nghẹt người.

Các tín đồ Hindu tham gia lễ hội Chhath Puja tại Chandigarh, Ấn Độ ngày 31/10/2022 (Nguồn: TTXVN)

* Truyền thông địa phương dẫn lời giới chức bang Bihar, miền Đông Ấn Độ, cho biết ít nhất 53 người đã tử vong sau khi ngã xuống nước tại các khu vực khác nhau ở bang này trong dịp lễ hội Chhath Puja của người Hindu. Những người này đã chết đuối ở các con sông và vùng nước tại nhiều khu vực của bang Bihar trong 4 ngày diễn ra lễ hội Chhath Puja, trong đó ít nhất 18 người chết đuối trong ngày 31/10, ngày cuối của lễ hội...