EU lên kế hoạch mở rộng mục tiêu giảm thiểu khí đốt

Ngày 28/2, Các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) cho biết, khối này đang lên kế hoạch mở rộng các biện pháp giảm tiêu thụ khí đốt trong khối vào mùa Đông tới để lấp đầy các kho dự trữ.

EU lên kế hoạch mở rộng các biện pháp giảm tiêu thụ khí đốt trong khối vào mùa Đông tới để lấp đầy các kho dự trữ. (Ảnh: Shutterstock) 

Nhằm ứng phó với giá năng lượng tăng mạnh do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine, hồi tháng 7/2022, 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Tuy nhiên, con số giảm thực tế đã vượt quá mục tiêu "tự nguyện", nhờ thời tiết ôn hòa hơn và giá nhiên liệu cao khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp buộc phải hạn chế sử dụng.

Theo số liệu do cơ quan thống kê EU (Eurostat), lượng tiêu thụ khí đốt của khối đã giảm 19,3% trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, so với cùng thời kỳ từ năm 2017 đến 2022.

Phát biểu ngày 28/2, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết, các nước thành viên EU "đã thảo luận kéo dài một số biện pháp khẩn cấp để có thể nhanh chóng lấp đầy các kho dự trữ khí đốt cũng như chuẩn bị cho những tình huống căng thẳng tiềm tàng".

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh biện pháp của EU thông qua hồi năm ngoái dự kiến sẽ hết hiệu lực trong tháng 3 này. Ủy viên phụ trách năng lượng của EU, bà Kadri Simson, cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đang cân nhắc tiếp tục coi "giảm cầu về khí đốt là một lựa chọn đương nhiên". Đây được coi là “chìa khóa nhằm đảm bảo sự chuẩn bị cho mùa Đông tới cũng như đạt mục tiêu lấp đầy 90% kho dự trữ vào ngày 1/11 hàng năm”.

Trước đó, EU đã chính thức áp dụng kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trên toàn khối kể từ ngày 9/8 nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang gia tăng. Kế hoạch đã được các quốc gia thành viên của khối này nhất trí vào ngày 26/7/2022. Mục đích của kế hoạch là giúp EU tăng cường dự trữ khí đốt kịp thời cho mùa Đông. Theo đó, các nước thành viên sẽ nỗ lực hết sức để cắt giảm tiêu thụ khí đốt ở mức ít nhất 15% vào giai đoạn từ giữa tháng 8 đến tháng 3/2023, dựa trên mức tiêu thụ trung bình của 5 năm trước.

Trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ cho EU. Tuy nhiên, kể từ ngày 27/7, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga đã cắt giảm lượng khí đốt tự nhiên cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) xuống còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất với lý do phải sửa chữa 1 tuabin, đã gây khó khăn cho châu lục này trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang leo thang./.

Theo ĐCSĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới