Nụ cười hồn nhiên của các em bé tại một ngôi làng ở tỉnh Sindh, Pakistan (Ảnh: UNICEF)

Những con số đáng chú ý

Theo Liên hợp quốc, mặc dù dân số toàn cầu mất 12 năm để tăng từ 7 lên 8 tỷ người, nhưng sẽ mất khoảng 15 năm (cho đến năm 2037) để đạt 9 tỷ người, một dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng chung của dân số toàn cầu đang chậm lại.

Dân số toàn cầu đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950, xuống dưới mức 1% vào năm 2020. Các dự báo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy dân số có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, lên 9,7 tỷ người năm 2050. Dân số có thể đạt đỉnh vào những năm 2080, lên khoảng 10,4 tỷ người và duy trì ở mức độ này cho đến năm 2100.

Ước tính của Liên hợp quốc cho thấy, hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu từ nay đến năm 2050 dự kiến tập trung ở 8 quốc gia, gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa Tanzania.

Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên được dự báo tăng 10% vào năm 2022, lên 16% vào năm 2050. Khi ấy, dự kiến số người từ 65 tuổi trên toàn thế giới sẽ gấp hai lần số trẻ em dưới 5 tuổi, gần bằng số trẻ dưới 12 tuổi. Dân số thế giới tăng góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng mang lại nhiều hệ quả, nhất là đối với môi trường.

8 tỷ người – câu chuyện của sự thành công

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, sự kiện dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người là một dịp để tôn vinh những tiến bộ về y tế khi ngày càng nhiều người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vaccine, thuốc trị bệnh… Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã đem lại nhiều thành tựu.  Vào năm 2019, tuổi thọ trung bình của con người là 72,8 tuổi, tăng gần 9 năm kể từ năm 1990. Theo Liên hợp quốc, tuổi thọ trung bình của dân số thế giới được dự báo là khoảng 77,2 năm vào năm 2050.

Cùng chung nhận định về dấu mốc dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người vào năm nay, Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Tiến sĩ Natalia Kanem cho rằng: Đây là một câu chuyện thành công, không phải là một kịch bản về ngày tận thế. Thế giới của chúng ta, bất chấp tất cả những thách thức, là một thế giới mà tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Thế giới đã đạt những bước tiến lớn trong nỗ lực giảm nghèo và những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Dân số thế giới tăng chứng tỏ rằng một phần tuổi thọ tăng và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ giảm.

Tiến sĩ Natalia Kanem cũng nhấn mạnh rằng: “Mỗi chúng ta có ý nghĩa nhiều hơn là một con số bởi vì chúng ta là một gia đình. Các con số cũng rất quan trọng, nhưng chúng ta cần phải làm hơn thế. Đó là xây dựng một thế giới với 8 tỷ con người kiên cường, một thế giới đề cao quyền và lựa chọn của từng cá nhân, mang đến những khả năng vô hạn - khả năng cho con người, xã hội và hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng”.

Thế giới còn đối mặt nhiều thách thức

Tuy là một dấu mốc phát triển của loài người nhưng theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, con số 8 tỷ người  cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung của nhân loại trong việc quan tâm đến hành tinh. Bởi dân số ngày càng gia tăng và già hóa cũng là một thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như việc bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hiện nay, hàng triệu người trên thế giới vẫn đang phải sống trong xung đột, nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học có chất lượng,… Ở nhiều nơi, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái chưa được bảo đảm, bị đối xử bạo lực, bị bóc lột và bị lạm dụng,…

Bên cạnh đó, môi trường tự nhiên đang ngày càng bị ô nhiễm, nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, trái đất có xu hướng nóng dần lên, nước biển dâng, biến đổi khí hậu kéo theo những thảm họa thảm khốc…. là những thách thức đã và đang hiện hữu trong cuộc sống con người.

Dân số đông cũng đặt ra thách thức cần “sống khỏe”. Các nhà khoa học cho rằng muốn sống khỏe, trong những năm tới, con người sẽ phải thay đổi thói quen vận động, cải thiện lối sống và chế độ ăn uống sao cho phù hợp. Về thực phẩm, con người sẽ phải thay đổi theo hướng đơn giản. "Ăn ít hơn, nhưng tinh hơn" sẽ là kim chỉ nam trong chế độ ăn uống. Tiêu thụ ít thịt hơn có thể là cách để con người tiết kiệm lương thực - thực phẩm./.