Yên Châu nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công

Xác định chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp, những năm qua, huyện Yên Châu đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều biện pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI trên địa bàn.

 

 

Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Yên Châu.

 

Chỉ số PAPI được xây dựng trên cơ sở khảo sát trực tiếp từ người dân, đánh giá thông qua 8 chỉ số, nội dung là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Hàng năm, huyện Yên Châu chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả nội dung các chỉ số. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó trọng tâm là về những nội dung phải công khai để dân biết, dân bàn và quyết định. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và của nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Để cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, huyện đã tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách TTHC tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức giao dịch hành chính; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện giải quyết TTHC trên phần mềm một cửa điện tử. Rà soát, thống kê và xây dựng quy trình thực hiện TTHC đăng tải trên Cổng thông tin điện tử và niêm yết tại cơ quan, đơn vị, đảm bảo cho tổ chức, cá nhân dễ tra cứu, tìm hiểu thông tin. Tổ chức điều tra xã hội học để đánh giá khách quan, chính xác mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan chuyên môn cấp huyện, về các vấn đề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm, như: Thái độ giải quyết TTHC của công chức; thời gian giải quyết TTHC; việc niêm yết, công khai TTHC... Từ đầu năm đến nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện đã tiếp nhận và giải quyết 1.740 hồ sơ; trong đó 1.617 hồ sơ đã giải quyết xong, 123 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết.

 

Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Yên Châu đã thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân, thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp. Điều này không chỉ phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở mà còn thể hiện sự gần gũi, trọng dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Riêng trong quý I, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã có 2 cuộc tiếp xúc, đối thoại với 130 cử tri. Còn đồng chí Chủ tịch UBND huyện tổ chức 2 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân tại xã Lóng Phiêng và thị trấn Yên Châu để giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề mà nhân dân bức xúc, liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phát triển kinh tế - xã hội... Đặc biệt, để tăng tính công khai, minh bạch, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo và công nhận hộ nghèo đúng quy định; công khai danh sách các khoản thu, chi ngân sách xã, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, khung giá đất tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa các bản, tiểu khu để người dân biết và giám sát. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiếp dân từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần; tổng hợp, theo dõi, và đôn đốc tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của các cơ quan, đơn vị. Trong quý I, UBND huyện tiếp nhận 51 đơn thư tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, trong đó: Đã giải quyết xong 43 đơn, 6 đơn lưu theo dõi do trùng nội dung, đơn đã được giải quyết; số còn lại đang xem xét, giải quyết theo tiến độ và chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

 

Thời gian tới, để cải thiện, nâng cao hơn nữa chỉ số PAPI, huyện Yên Châu tiếp tục tập trung đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tham nhũng, biểu hiện tiêu cực gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân; nâng cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, nhất là những người thường xuyên tiếp xúc, trao đổi công việc với nhân dân; tăng cường tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình trực tiếp với người dân. Tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC... nâng cao chất lượng phục vụ của các cấp chính quyền trên địa bàn, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả vì dân phục vụ.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới