Xuân Nha giúp nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Trong những ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp được đến thăm xã vùng cao biên giới Xuân Nha của huyện Vân Hồ, dọc hai bên đường là màu xanh của cây ăn quả, giàn chanh leo đang phủ dần trên những sườn đồi, không khí mùa thu hoạch sắn, dong riềng diễn ra tất bật, cảm nhận được đổi thay cách làm kinh tế của bà con nơi đây.

Nhân dân xã Xuân Nha phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Dừng chân bên một nương sắn của bản Thín, bà Hà Thị Hiền đang thu hoạch sắn cho biết: Năm qua, gia đình tôi đã trồng khoảng 5.000 m² sắn, 1.000 m² dong riềng, hiện gia đình đã thu hoạch được trên 20 tấn sắn củ và 6 tấn dong riềng. Bên cạnh đó được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn gia đình tôi đã chuyển một phần diện tích đất sang trồng 400 gốc cây xoài, nhãn, hiện cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Cũng như bà Hiền, anh Hà Văn Gióng, ở bản Tưn, chia sẻ: 5 năm trước, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển một phần đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây xoài, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch, thu nhập cao hơn 2-3 lần so với trồng ngô; năm qua, được sự hỗ trợ về kỹ thuật và giống, gia đình tôi đã tiếp tục trồng thêm 350 gốc xoài, nhãn, cam; năm nay, tôi sẽ tiếp tục trồng thêm để mở rộng diện tích cây ăn quả của gia đình.

Trao đổi với bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã, được biết: Xã Xuân Nha có tổng diện tích tự nhiên 9.374 ha; đất nông nghiệp 1.952 ha; đất lâm nghiệp 4.263 ha. Có 4 dân tộc Mường, Thái, Kinh, Mông cùng sinh sống. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hằng năm, UBND xã đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất, thâm canh tăng vụ; cải tạo vườn cây ăn quả, chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc; đầu tư mở rộng diện tích các mô hình kinh tế hộ gia đình; phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường; đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ; tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể, khuyến nông xã chủ động hướng dẫn nông dân sản xuất theo mùa vụ, đúng quy trình kỹ thuật; căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu của nông dân, mở các lớp tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: Cải tạo vườn tạp, chiết ghép cây ăn quả; sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP; xen canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác. Chăn nuôi an toàn sinh học gắn với xử lý chất thải để bảo vệ môi trường. Năm qua, Hội Nông dân xã đã mở được 2 lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh nhãn và kỹ thuật chăm sóc chanh leo cho 120 lượt người; xây dựng 2 mô hình trồng bí cô tiên và trồng ngô trên ruộng một vụ, với quy mô 17 ha; toàn xã đã trồng 765 ha cây lương thực có hạt, sản lượng đạt 3.478 tấn; 84,4 ha cây sắn, đạt năng suất 14 tấn/ha và 120 ha dong riềng. Thực hiện chương trình hỗ trợ trồng cây ăn quả, xã đã triển khai tại 3 bản với tổng vốn hỗ trợ trên 217 triệu đồng, đã trồng mới 5 ha cây bơ tại bản Nà Hiềng, bản Pù Lầu; hiện diện tích cây ăn quả trên địa bàn có trên 210 ha, trong đó, trồng mới 75,8 ha. Cùng với đó chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã được xã chú trọng, chỉ đạo cán bộ thú y làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm trong những ngày giá rét và mùa đông; toàn xã có trên 3.500 con trâu, bò; trên 2.000 con lợn; 680 con dê và hơn 23.000 con gia cầm; 11,9 ha ao cá, 5 lồng cá...

Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân làm tốt công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức cho các trưởng bản ký cam kết với Chủ tịch UBND xã trong công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; kiện toàn Ban chỉ đạo PCCCR trực 24/24 giờ; đã phát hiện, xử lý 15 vụ phát rừng làm nương. Trong xây dựng nông thôn mới, bằng các nguồn kinh phí của các chương trình dự án, cùng với sự đóng góp của nhân dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trong năm qua, đã xây dựng nhà văn hóa bản Tưn, 800 m đường giao thông bản Nà An, 500 m đường bản Pù Lầu; nghiệm thu 2 công trình lớp học mầm non; làm mới 1 công trình cấp nước sinh hoạt và đưa vào sử dụng nhà đa năng của xã, hiện đang triển khai xây dựng hai công trình nhà lớp học bậc tiểu học... Hiện xã đã đạt 8 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Với sự năng động của cấp ủy, chính quyền xã Xuân Nha và sự đồng lòng của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã ngày một nâng cao.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới