Xử lý nghiêm việc xâm lấn đất rừng

Dù đang mùa mưa, nhưng những quả đồi ở bản (Nà Tre cũ), nay là bản Sàng Nà Tre, xã Chiềng Ban (Mai Sơn), ngổn ngang nhiều cây gỗ bị chặt hạ, đổ gẫy và chết khô, xen dưới gốc là những cây cà phê mới trồng. Theo phản ánh của người dân, những diện tích đó là đất rừng, nhưng đã bị nhiều hộ dân lấn chiếm để trồng cây cà phê. Tình trạng này đã diễn ra cả chục năm nay.

Đẽo vỏ, đốn cây để xâm lấn đất rừng

Bản Sàng Nà Tre, xã Chiềng Ban được sáp nhập từ bản Nà Tre và bản Sàng, mùa này, màu xanh cà phê bạt ngàn trên khắp các sườn đồi với khoảng 240 ha (trong đó, bản Nà Tre cũ có khoảng 140 ha cây cà phê). Nhờ trồng cà phê, kinh tế bản (Nà Tre cũ) phát triển, cuộc sống người dân khá giả, có nhiều nhà xây kiên cố, khang trang.

Diện tích rừng tại bản Nà Tre cũ bị xâm lấn để trồng cà phê

Tuy nhiên, cách bản không xa là hình ảnh quả đồi trơ trọc bởi có nhiều cây gỗ to đang dần chết khô do bị lấn chiếm để trồng cà phê. Đến tận nơi, thấy nhiều cây gỗ to bị đẽo vỏ xung quanh gốc để cây chết, nhiều cây bị chặt hạ vẫn còn trơ gốc, một số cành, gốc cây bị đốt cháy còn ngổn ngang. Bên cạnh là những cây cà phê mới trồng cao khoảng 20-30 cm. Nhiều quả đồi, cây cà phê đã lên cao nhưng vẫn còn những gốc cây to đang mục rữa cho thấy tình trạng này đã diễn ra từ lâu.

Cây cà phê mới được trồng cạnh những gốc cây khô đã bị đốn hạ

Theo bà con trong bản phản ánh: Những quả đồi đó, ngày trước có rất nhiều cây rừng tự nhiên, tình trạng lấn rừng trồng cà phê diễn ra từ năm 2010 đến nay. Qua mỗi năm diện tích rừng bị thu hẹp lại do xâm lấn trồng cây cà phê. Dù chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra, phát hiện việc xâm lấn đất rừng và lập biên bản xử phạt, nhưng nhiều hộ vẫn chây ì không nộp tiền phạt và hiện tượng xâm lấn đất rừng vẫn diễn ra chưa được ngăn chặn.

           

Người dân thắc mắc: Trước đây, UBND xã Chiềng Ban đã xuống kiểm tra, phát hiện, xử phạt và thu hồi một số diện tích đất xâm lấn rừng, sau đó cho hộ dân ở bản thuê lại để trồng luồng. Tuy nhiên đến nay, diện tích luồng đã bị chặt hạ gần hết để trồng cây cà phê? Các cán bộ xã ngày đó đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác thì việc cho thuê đất ngày đó có bị quên lãng hay không? và diện tích đất đó đã thuộc quyền sở hữu của hộ thuê đất chưa?

Chưa kiên quyết xử lý dứt điểm

Chúng tôi tìm gặp ông Lèo Văn Ín, Bí thư Chi bộ bản Sàng Nà Tre. Ông Ín cho biết: Bản Sàng và bản Nà Tre được sáp nhập từ tháng 1 năm 2020. Tôi ở bản Sàng và mới được bầu làm Bí thư Chi bộ, nên không nắm rõ những việc trước đây ở bản Nà Tre cũ. Tuy nhiên, những phản ánh của người dân về hiện tượng các hộ trồng cây cà phê xâm lấn đất rừng ở bản (Nà Tre cũ) là có thật và vẫn chưa được xử lý dứt điểm. 

           

Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra về công tác quản lý, bảo vệ rừng từ năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 54 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn xã Chiềng Ban, chủ yếu là phá rừng trái pháp luật; trong đó, bản (Nà Tre cũ) có 51 vụ phá rừng trái pháp luật với 51 đối tượng vi phạm, tổng diện tích rừng bị phá hơn 6,5 ha, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính gần 2,7 tỷ đồng (Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 22 đối tượng gần 1,9 tỷ đồng; Chủ tịch UBND huyện xử phạt 14 đối tượng hơn 520 triệu đồng; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện xử phạt 15 đối tượng gần 260 triệu đồng). Sau khi xử phạt, Hạt Kiểm lâm đã yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân vi phạm tại bản Nà Tre tổ chức trồng lại 6,5 ha rừng, nếu hộ gia đình, cá nhân nào không thực hiện việc khắc phục hậu quả trồng lại rừng trên diện tích vi phạm sẽ tiến hành cưỡng chế.

Nhiều cây gỗ bị đốn hạ để trồng cây cà phê

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn năm 2020, diện tích rừng của xã Chiềng Ban có hơn 1.160 ha, tăng gần 80 ha so với năm 2010. Tuy nhiên, diện tích chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở bản (Nà Tre cũ) năm 2020 hơn 130 ha, giảm gần 30 ha so với năm 2016.

Ông Phạm Hồng Tiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mai Sơn, cho biết: Các đối tượng chặt những cây rừng có đường kính nhỏ, phát quang cỏ dại để trồng cây cà phê từ 2-3 năm tuổi vào diện tích vi phạm. Những cây gỗ có đường kính lớn họ không chặt ngay mà họ đục đẽo, khoanh vỏ cho cây chết dần rồi tự đổ gẫy hoặc chặt hạ thì gốc cây đã mục khó phát hiện; hầu hết diện tích rừng người dân xâm lấn đều dưới mức bị xử lý hình sự, chưa có trường hợp nào bị khởi tố nên tính răn đe chưa cao. 

           

Cây bị chết dần do bị bị đục đẽo, khoanh vỏ 

Làm việc với chính quyền xã, bà Cầm Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban cũng thừa nhận, bản Nà Tre cũ là "điểm nóng" về xâm lấn đất rừng và tái diễn nhiều năm nay. Các hộ được giao quản lý và bảo vệ rừng có đất nương sản xuất gần rừng, mỗi năm xâm lấn một ít. Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, một số hộ vi phạm diện tích khá lớn, xã đã phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh diện tích rừng bị phá để xử phạt và yêu cầu các hộ vi phạm trồng lại rừng. Tuy nhiên, mật độ trồng lại cây rừng chưa đảm bảo, tỷ lệ sống rất thấp.

Trả lời thắc mắc của người dân về ngày trước, xã Chiềng Ban có phát hiện, xử phạt và thu hồi một số diện tích đất xâm lấn rừng để giao cho hộ dân thuê lại trồng luồng, đến nay, hầu hết diện tích này đã bị thay thế bởi cây cà phê. Bà Cầm Thị Hương nói: Lúc đó, tôi là cộng tác viên dân số nên không nắm rõ nội dung trên. Sau khi tôi làm Chủ tịch UBND xã, dù chưa được các đồng chí lãnh đạo cũ bàn giao lại nội dung liên quan đến diện tích đất xâm lấn rừng đã thu hồi, nhưng theo tôi diện tích đó vẫn thuộc quyền quản lý của xã và xã giao cho hộ quản lý từ trước chứ không cho thuê!

Theo phản ánh của người dân, diện tích rừng bị xâm lấn để trồng cây cà phê được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý còn ít so với thực tế và tình trạng này vẫn đang tái diễn ở bản (Nà Tre cũ) nay là bản Sàng Nà Tre, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền xã cần vào cuộc quyết liệt với những biện pháp mạnh hơn, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm; kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị xâm lấn để yêu cầu các hộ vi phạm trồng lại rừng và có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới