Xây dựng nông thôn mới, ý Đảng hợp lòng dân

Đầu xuân mới Bính Thân, chúng tôi về xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai), trong nắng xuân ấm áp, đi trên những con đường bê tông bằng phẳng, cảm nhận được sự thay đổi trong cuộc sống của từng bản, từng nhà. Sự “thay da, đổi thịt đó” đã nói lên chủ trương đúng đắn về xây dựng nông thôn mới, khi ý Đảng hợp lòng dân.

Đồng chí Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Chuyển trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Gần 5 năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, mỗi địa phương, cơ sở trong toàn tỉnh đều lựa chọn cho mình cách làm riêng, nhưng tất cả đều hội tụ một điểm chung, đó là huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi việc người dân đều được biết, được bàn, được làm và kiểm tra. Qua đó, phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống. Điều đó khẳng định chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước đã thực sự phát huy hiệu quả, không những huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân, mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn của tỉnh.

Năm 2015, tỉnh ta có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đó là xã Chiềng Xôm (Thành phố), Mường Giàng (Quỳnh Nhai) và Chiềng Ban (Mai Sơn), kết quả bước đầu đó thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Với quan điểm chỉ đạo thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở, trước hết phải tạo sự đồng thuận của nhân dân và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc huy động sự đóng góp của nhân dân vào chương trình xây dựng nông thôn được các xã, bản công khai, minh bạch, tạo được niềm tin của nhân dân, giúp họ hiểu được tầm quan trọng, cũng như lợi ích mang lại từ xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ đời sống, sản xuất, nên bà con tự nguyện đồng lòng hưởng ứng.

Điểm nổi bật, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện bê tông hóa 1.389 tuyến giao thông nông thôn với tổng chiều dài 427km, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 148 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 314 tỷ đồng. Riêng năm 2015, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh gần 9.350 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 294 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 325 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, trong đó 138 công trình đường giao thông, 24 công trình thủy lợi, 13 công trình y tế, 32 trường học, 5 công trình cấp nước, 42 nhà văn hóa, 4 công trình điện, 3 trụ sở xã và 3 chợ nông thôn. Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ phát triển sản xuất, trong năm đã tổ chức 1.889 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 80.400 lượt nông dân; hội thảo mô hình 68 cuộc, với 4.628 lượt người tham gia, thành lập mới 13 HTX nông nghiệp. Đến hết năm 2015, giá trị thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/1 ha đất canh tác, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 16 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 23,5%.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ban (Mai Sơn) Phạm Văn Khánh, nói: Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã đã chủ động và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở, không dập khuôn máy móc, lựa chọn những tiêu chí phù hợp với từng bản; tập trung nguồn lực tham gia, chọn một bản làm điểm để các bản khác học tập làm theo. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực của địa phương và người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng.

Còn ông Lù Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm (Thành phố) chia sẻ: Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khai thác tốt tiềm năng, huy động nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của lao động nông nghiệp. Đồng thời, mở rộng và phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát huy nội lực trong nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Xuân mới Bính Thân, phấn khởi trước những thành quả đạt được hôm nay, chính là động lực cũng như những kinh nghiệm quý báu để tỉnh ta đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy dân chủ, đoàn kết, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân để nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Vượt lên những khó khăn, thách thức, năm 2016, tỉnh ta phấn đấu đạt bình quân 7,5 tiêu chí/xã, trong đó có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 41 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 18 triệu đồng, giảm 26% số xã thuộc nhóm khó khăn so với năm 2015. Để đạt được mục tiêu đó cần phải có sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân, tạo tiền đề vững chắc để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào cuộc sống.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới