Xây dựng nông thôn mới ở Mường Trai

Là một trong những xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Mường La, năm qua, xã Mường Trai đã triển khai tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa.

 

Trạm Y tế xã Mương Trai (Mường La) được đầu tư xây dựng mới.

Năm 2010, sau khi hoàn thành di dân TĐC thủy điện Sơn La, Mường Trai có 10 bản, với 475 hộ, gần 2.100 nhân khẩu. Cùng với thực hiện tốt chính sách hỗ trợ tái định cư, xã đã tập trung ổn định đời sống nhân dân, tổ chức lại sản xuất; tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả canh tác. Với gần 40 ha lúa 2 vụ, 381 ha ngô được bà con chủ yếu gieo trồng các loại giống lúa lai, ngô lai cho năng suất cao. Đồng thời, bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, xây dựng mô hình trang trại nuôi trâu, bò nhốt chuồng, kết hợp trồng cỏ, đến nay, toàn xã có gần 1.100 con trâu, bò. Nổi bật trong phát triển kinh tế ở Mường Trai là bà con đã khai thác mặt nước hồ thủy điện Sơn La phát triển nghề nuôi cá lồng, xã có 65 hộ nuôi 180 lồng cá và 1 hợp tác xã thủy sản.

Là một trong những hộ đầu tiên của xã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, hộ gia đình anh Lù Văn Khánh, bản Bó Ban có 6 lồng nuôi cá giống địa phương và nuôi ếch trong lồng lưới. Anh Khánh cho biết: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, đi tham quan học hỏi các mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn huyện, gia đình chăm sóc đúng kỹ thuật, tận dụng được nguồn thức ăn phong phú, đa dạng khai thác ngay trên lòng hồ, nên cá nhanh lớn, ít dịch bệnh. Với giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng/kg cá các loại, mỗi năm gia đình thu gần 100 triệu đồng.

Đồng chí Lèo Văn Lay, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã, cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của xã, Ban phát triển các bản; phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã phụ trách các bản theo dõi, nắm bắt và triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp bản, sinh hoạt chi bộ về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài hỗ trợ của Nhà nước, Mường Trai đã vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng các công trình đường giao nông nông thôn, nhà văn hóa bản. Tính riêng 3 năm qua, nhân dân đã đóng góp gần 1 tỷ đồng bê tông hóa 1,5 km các tuyến đường nội bản. Nhờ vậy, 28/30 km đường liên xã, nội bản đã được bê tông hóa, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 97,5% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 9/10 bản được công nhận bản văn hóa, 7/10 bản không có ma túy, 88,3% số hộ gia đình văn hóa, xã đã được công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế.

Với mục tiêu phấn đấu là xã thứ 3 của Mường La đạt chuẩn nông thôn mới, Mường Trai đã xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể và cử các thành viên Ban Chỉ đạo nông thôn mới xã phụ trách các bản phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con đóng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng để xây dựng các công trình phục vụ đời sống, sản xuất của bà con. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nhanh số hộ nghèo, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới