Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Từ năm 2013 đến nay, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nhân dân xã Lóng Luông (Vân Hồ) thu hoạch ngô. 

Tỉnh ta đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ và công nghiệp chế biến.

Hơn 3 năm qua, kinh tế nông nghiệp đã được tỉnh chỉ đạo phát triển theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thời vụ, nhằm giảm mức độ ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh, tăng cường thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Các loại cây công nghiệp chủ lực, như mía, cà phê, sắn công nghiệp... được đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng suất, bảo đảm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc phát triển cả về quy mô và chất lượng, phát huy lợi thế, chú trọng cải tạo giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng các mô hình doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, trọng tâm là đưa cây ăn quả chất lượng cao, như xoài ghép, nhãn ghép... thay thế những diện tích cây trồng trên nương kém hiệu quả, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, thu nhập cao hơn gấp 2-3 lần các giống xoài, nhãn địa phương. Đồng thời, một số địa phương trong tỉnh đã thành lập các HTX sản xuất rau, quả sạch theo quy trình VietGAP để cung ứng sản phẩm cho các siêu thị tại Hà Nội và xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn, hình thành hệ thống cửa hàng nông sản an toàn có xác nhận. Năm 2015, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt toàn tỉnh đạt 6.637 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 2.660 tỷ đồng, lâm nghiệp 781 tỷ đồng và thủy sản 211 tỷ đồng, giá trị bình quân 1 ha sản xuất đạt 24,6 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh ta đã thực hiện tốt việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến, hình thành một số cụm công nghiệp tại Mộc Châu, Mai Sơn, Phù Yên; khôi phục và phát triển tiểu thủ công nghiệp và một số nghề thủ công truyền thống. Hiện nay, ngoài một số nhà máy chế biến có quy mô lớn, như nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, Nhà máy đường Sơn La, trên địa bàn có 19 doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến chè, 3 nhà máy chế biến cà phê của doanh nghiệp cà phê Minh Tiến và hàng trăm cơ sở chế biến sản phẩm nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai quyết liệt, đến nay, toàn tỉnh đã huy động và bố trí hơn 40.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, như điện, nước sinh hoạt, trụ sở xã, nhà văn hóa, trạm y tế, trường lớp học, nhà ở bán trú học sinh... Điểm nổi bật, tỉnh ta đã thực hiện bê tông hóa gần 1.000 tuyến đường liên xã, liên bản, nội bản với tổng chiều dài gần 500 km, kinh phí thực hiện 500 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ gần 160 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp bằng tiền, vật liệu và hàng vạn ngày công lao động. Đến 30/6/2016, toàn tỉnh đạt bình quân 7,28 tiêu chí/xã, có 66 xã đạt từ 8 tiêu chí trở lên. Ngoài 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, có 5 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 16 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 21%.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã xây dựng và tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trong đó, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới và triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, bổ sung các chính sách liên quan đến khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là phát triển kinh tế tập thể, HTX, huy động các nguồn lực xã hội, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới