Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân

“Diễn biến hòa bình” là cụm từ xuất hiện ở thời kỳ đầu của “chiến tranh lạnh”, khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Atkinson nhìn thấy sự thất bại trong việc can thiệp quân sự của Mỹ đối với các nước xã hội chủ nghĩa là không thể đảo ngược. Cho đến nay, chiến lược “diễn biến hòa bình” trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng mục tiêu cơ bản, xuyên suốt là xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Ở Việt Nam, các thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” dưới dạng “không có trận tuyến, không có khói súng”, nhưng rất quyết liệt, phức tạp, thâm độc, trên phạm vi rộng, bằng nhiều biện pháp tổng hợp. Trong đó, chúng xác định một trong các mũi tấn công chủ đạo là các vấn đề về dân chủ, nhân quyền (DCNQ). Do vậy, thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng gia tăng các hoạt động tuyên truyền, vu cáo Việt Nam vi phạm DCNQ. Điển hình là Mỹ và một số nước phương Tây thường xuyên đưa ra các báo cáo nhân quyền hằng năm với những đánh giá thiếu khách quan và không chính xác về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa đưa ra nhận định sai lệch về tình hình nhân quyền của Việt Nam, như: Chính quyền can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân; hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet; kiểm duyệt, bắt giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền... Bên cạnh đó, một số tổ chức quốc tế bị Mỹ và các nước phương Tây chi phối, như Ngôi nhà tự do (Freedom House) tung ra “Báo cáo tự do thế giới 2021”, kết luận rằng Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia không có quyền tự do. Ngày 21/9/2021, tổ chức Freedom House đã công bố số điểm xếp hạng tự do internet & mạng xã hội của các quốc gia trên toàn cầu, Freedom House đánh giá Việt Nam với số điểm 22/100 (xếp cuối thế giới). Ngoài ra, chúng tung hô, cổ vũ, cường điệu hóa các giá trị dân chủ tư sản “kiểu Mỹ” và phương Tây, tuyệt đối hóa quyền con người với luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, quốc gia”, tuyệt đối hóa các giá trị của quyền con người; xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, dựa vào việc Việt Nam bắt giữ, xử lý một số đối tượng chống đối, vi phạm pháp luật để vu cáo Việt Nam chèn ép “những người bất đồng chính kiến”, vi phạm nhân quyền.

Những luận điệu này gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng của người dân cả trong và ngoài nước. Thực tiễn đấu tranh phản bác đã chứng minh cho thế giới thấy rằng Việt Nam là quốc gia tôn trọng và luôn đảm bảo thực hiện tốt quyền con người. Điều này được thể hiện ở một số điểm như: Ngay từ khi ra đời Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có chính sách nhất quán về quyền con người và bảo đảm quyền con người. Vấn đề quyền con người đã được đề cập trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau đó vấn đề quyền con người tiếp tục được kế thừa và phát huy trong các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013. Các quy định về quyền con người và bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp là cơ sở Hiến định quan trọng để xây dựng hệ thống pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật ở nước ta. Chỉ tính từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013 đến nay, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và vững chắc về nhân quyền. Điều đó không chỉ thể hiện ở những nỗ lực trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà còn được thể hiện ở việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, trên lĩnh vực bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được bảo đảm ngày càng tốt hơn, số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng. Ðến năm 2021, Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với hơn 26 triệu tín đồ, 54.000 chức sắc, tăng; 135.000 chức việc; 29.000 cơ sở thờ tự.

Trên lĩnh vực bảo đảm quyền tự do báo chí, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó, 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Rõ ràng, sự lớn mạnh này chẳng thể xuất hiện dưới một thể chế mà như các luận điệu xuyên tạc mô tả là “sự phát triển của báo chí bị bóp nghẹt”.

Về tự do internet, theo thống kê mới nhất của We Are Social thì Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Internet di động từ 3G, 4G và hiện nay 5G đang được triển khai đã khiến internet đã vươn tới mọi miền đất nước. Hiện có hàng trăm mạng xã hội khác nhau đăng ký hoạt động, trong đó phổ biến là Facebook, Zalo, Twitter, Instagram, Tiktok... Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, nhất là qua các trang web, mạng xã hội. Đó là những minh chứng sinh động của việc Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do internet...

Như vậy, những luận điệu “Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền” chỉ là những đánh giá phiến diện, những cáo buộc thiếu thiện chí, thậm chí là thù địch với Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam luôn là một đất nước dân chủ; Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân.

Hoàng Anh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới