Xây dựng Mộc Châu ngày càng giàu đẹp

60 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu (8/5/1959 - 8/5/2019), hình ảnh giản dị, lời thăm hỏi, căn dặn ân cần của Bác luôn sống mãi trong trái tim của người dân Mộc Châu... Và những lời Bác dặn năm ấy luôn là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Mộc Châu đoàn kết một lòng, thi đua, xây dựng huyện ngày càng phát triển.

Một góc thị trấn Nông trường Mộc Châu.

 

Khắc ghi lời Bác dặn

Ngày 8/5/1959, tại khu làm việc của Ủy ban Hành chính huyện (nay thuộc tiểu khu 11 thị trấn Mộc Châu), Bác Hồ và Đoàn công tác Trung ương đến thăm nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc châu Mộc Châu, Bác ân cần dặn dò: Tây Bắc có vị trí rất quan trọng. Mộc Châu là cửa ngõ của Tây Bắc, vì vậy Mộc Châu phải phấn đấu xây dựng để phát triển hơn nữa. Muốn vậy, cán bộ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu phải đoàn kết, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và chăm lo sức khỏe nhân dân… Sau đó Bác Hồ và Đoàn công tác đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ nông trường Mộc Châu. Tại đây, Bác đã ghi vào sổ truyền thống của Nông trường 16 chữ vàng:

“Luôn luôn cố gắng

Khắc phục khó khăn

Tiến lên thật hăng

Làm tròn nhiệm vụ”.

Sau ngày Bác lên thăm, phong trào lao động sản xuất có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cán bộ, chiến sỹ, công nhân nông trường và người dân Mộc Châu biến những lời dặn của Bác thành hiện thực, biến những đồi hoang thành những đồng cỏ, nương chè, ruộng lúa bát ngát. Đồng chí Hà Trung Chiến, Bí thư huyện ủy tự hào: 60 năm trôi qua, những lời căn dặn của Bác luôn là “kim chỉ nam” dẫn đường, soi lối để các thế hệ tiếp nối đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần cần cù lao động, sáng tạo không biết mệt mỏi làm mảnh đất cao nguyên biến đổi không ngừng, trở thành vùng thảo nguyên trù phú, giàu có, xứng đáng kỳ vọng của Bác mong muốn xây dựng cao nguyên Mộc Châu giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về quốc phòng. 

Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Quả thực có về Mộc Châu mới cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này, bởi từ Nông trường quân đội ban đầu, sau đổi thành Nông trường quốc doanh Mộc Châu, rồi chuyển đổi và chia tách thành nhiều doanh nghiệp với các ngành nghề khác nhau vẫn luôn khẳng định vị trí, vững vàng trong kinh tế thị trường. Đó là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và 600 hộ dân, từ mấy chục con bò sữa ban đầu, đến nay Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu có đàn bò sữa hơn 25.000 con, chế biến 15 loại sản phẩm từ sữa, xuất bán tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, hằng năm nộp ngân sách Nhà nước khoảng 180 tỷ đồng. Ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu tự hào: Hầu hết các hộ nuôi bò ở đây đều là tỷ phú, bởi số bò nếu quy đổi ra tiền cũng lên đến tiền tỷ. Hiện nay, có hơn 100 hộ nuôi nhiều bò sữa thu lãi hơn 300 triệu đồng/tháng. Bò sữa ở Mộc Châu hiện là vật nuôi chủ lực trong phát triển nông nghiệp trên cao nguyên Mộc Châu.

Phát huy lợi thế vùng đất cao nguyên, Mộc Châu đã xây dựng được vùng chè bát ngát, tươi xanh hơn 1.900 ha, với 8 doanh nghiệp tham gia quản lý vùng nguyên liệu và sản xuất chè. Năng suất chè bình quân đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng bình quân 24.800 tấn/năm. Toàn huyện có 348 ha chè được sản xuất theo quy trình chè an toàn, trong đó 279 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hơn 90% sản phẩm chè chế biến phục vụ xuất khẩu. Tổng sản lượng chè xuất khẩu năm 2018 đạt 4.600 tấn sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Các công ty, doanh nghiệp làm ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu và xuất khẩu, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn người lao động.

Công nhân Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới (Mộc Châu) chăm sóc hoa lan.

 

Với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu Mộc Châu đã trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, những hệ thống nhà kính trải dài với muôn vàn sắc hoa công nghệ cao, vườn cây ăn quả trải khắp thảo nguyên... Đặc biệt, huyện Mộc Châu khuyến khích chương trình phát triển rau, hoa chất lượng cao với tổng diện tích 1.700 ha rau và 114 ha hoa các loại; có 5 hợp tác xã chuyên sản xuất rau theo quy trình VietGAP cung cấp cho các siêu thị lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cùng với đó, huyện còn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ các hộ dân phát triển cây ăn quả trên đất dốc với tổng số 7.540 ha, gồm: Chanh leo, mận hậu, mơ, xoài, nhãn, bơ, hồng giòn. Sản lượng quả tươi đạt hơn 37.000 tấn/năm. Huyện có 6 cơ sở được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với tổng số 72 ha cây ăn quả. Năm 2018, huyện Mộc Châu đã xuất khẩu 582 tấn chanh leo, 123 tấn xoài, 4.600 tấn chè và một số nông sản khác sang thị trường nhiều nước trên thế giới.

 

Phát triển du lịch bền vững

 

Khai thác tiềm năng và lợi thế, với mục tiêu đưa Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh và của vùng Trung du miền núi phía Bắc đã mở ra cơ hội để tỉnh Sơn La, vùng Mộc Châu, Vân Hồ đẩy mạnh “Liên kết phát triển du lịch - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Để từng bước hiện thực hóa, huyện Mộc Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch đảm bảo hài hòa các yếu tố: kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường; hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch.

Theo đó, huyện Mộc Châu tập trung thu hút đầu tư, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu, bao gồm vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước... Nhờ huy động đa dạng các nguồn lực, đến nay trên địa bàn huyện đã có 8 khách sạn, 150 cơ sở lưu trú, đủ để đón khoảng 3.000 người/ngày; đã thu hút được trên 20 nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện; 9 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phát huy 3 yếu tố lợi thế chính (thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp), Mộc Châu đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch với các loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, thể thao; du lịch về nguồn lịch sử - văn hóa;  du lịch mạo hiểm; du lịch sinh thái; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện; du lịch nông nghiệp; du lịch trải nghiệm... Đặc biệt, với sự tương hỗ của một vùng được quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng trồng rau, hoa đã hỗ trợ cho sự phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu, quan tâm phát triển hình thức du lịch lịch sử văn hóa, danh thắng. Hiện, trên địa bàn huyện có 13 danh thắng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc Mộc Châu, như: dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao… Trong đó chú trọng bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng, nghề thủ công, mỹ nghệ. Nghiên cứu, phục dựng nhiều lễ hội đặc trưng như: Lễ hội hoa xuân, Lễ hội Hết Chá, Cầu mưa vào mùa hoa ban nở; mùa hè tổ chức Lễ hội Hoa Lan; Lễ hội trà; Lễ hội hái quả; mùa thu tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc, Hội thi hoa hậu bò sữa… Từ những định hướng đúng nên số lượng khách du lịch đến tham quan du lịch tại Mộc Châu ngày càng tăng, chỉ tính từ năm 2018 đến nay, Mộc Châu thu hút khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch,  doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân đạt 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,9%…

Những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu đạt được là những bó hoa tươi thắm dâng lên Bác Hồ kính yêu, nguyện một lòng tiếp tục thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn, đoàn kết một lòng xây dựng cao nguyên Mộc Châu ngày càng giàu đẹp.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới