Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp tạo động lực thu hút đầu tư

Những năm qua, tỉnh Sơn La luôn chú trọng, làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) để thu hút các dự án đầu tư vào địa phương.

Vỉa hè đường vào Khu Công nghiệp Mai Sơn đang được hoàn thiện.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020 đó là: KCN Mai Sơn, xã Mường Bằng (huyện Mai Sơn), với quy mô 150 ha và KCN Vân Hồ, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ), quy mô trên 216 ha. Hiện nay, KCN Mai Sơn đã đi vào hoạt động, còn KCN Vân Hồ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch phân khu và kêu gọi, thu hút Nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tiềm lực tài chính để đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.

Ông Bùi Văn Mẫn, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Những năm qua, tỉnh ta đã bố trí hơn 114 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN Mai Sơn (giai đoạn I). Các hạng mục công trình thiết yếu đã đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh như: Hệ thống cấp điện 35kV; hệ thống cấp nước công suất 5.000 m³/ngày đêm; hệ thống xử lý nước thải công suất 2.500 m³/ngày đêm. Đặc biệt, đã tập trung nguồn lực để hoàn chỉnh hệ thống giao thông, tạo kết nối giữa KCN với các địa phương trong tỉnh, góp phần tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp vào khu công nghiệp.

Trong điều kiện khó khăn chung, nhưng đến nay, Khu công nghiệp Mai Sơn đã có 10 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 838 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư thực hiện trên 500 tỷ đồng (đạt 60% so với tổng số vốn đầu tư đăng ký). Diện tích đất công nghiệp đã cấp cho các nhà đầu tư là 34,66 ha/47,96 ha diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê giai đoạn I; tỷ lệ lấp đầy đạt 72%. Đến nay, có 5 doanh nghiệp đang hoạt động ở các lĩnh vực: Sản xuất tinh bột sắn, vật liệu không nung, nhũ tương nhựa đường, chế biến lâm sản, san chiết gas, phân hữu cơ vi sinh.

Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả khi các sản phẩm đầu ra bắt đầu có chỗ đứng và được duy trì thị phần trên thị trường, như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL, công suất thiết kế 300 tấn sản phẩm/ngày đêm, góp phần tiêu thụ 1-1,2 nghìn tấn sắn củ tươi/ngày đêm. Công ty TNHH Thanh Nhung chủ đầu tư dự án Nhà máy chế biến lâm sản Thanh Nhung có công suất 2.800 m³ sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng đi vào sản xuất kinh doanh từ năm 2018... đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Đàm Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nhung thông tin: Với lợi thế nguồn lao động dồi dào, mặt bằng đất đai rộng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ là những điều kiện, lợi thế giúp KCN Mai Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình, Công ty dự định tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 sẽ xây dựng phân xưởng ép các thanh gỗ có đường kính từ 1,2-1,4 m; mua thêm máy xẻ gỗ, giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương.

Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị sản xuất kinh doanh của 5 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Mai Sơn đạt 206,8 tỷ đồng; xuất khẩu đạt khoảng 7,157 triệu USD; nộp ngân sách đạt 478,4 triệu đồng; tạo việc làm cho gần 230 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 5,6 triệu đồng/người/tháng.

 

Xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Thanh Nhung, Khu Công nghiệp Mai Sơn.

Đối với KCN Vân Hồ, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020, Ban Quản lý đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc cho phép lập Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000. Tổ chức lựa chọn tư vấn, lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư. Mới đây, Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XV đã thông qua hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Vân Hồ tỷ lệ 1/2.000.

Theo ông Bùi Văn Mẫn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thực hiện trong thời gian dài, cơ chế chính sách và các văn bản pháp luật có nhiều thay đổi nên trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN. Dẫn đến công tác thu hút đầu tư và số lượng doanh nghiệp đầu tư vào KCN chưa nhiều.

Để thu hút đầu tư vào KCN, Ban quản lý các KCN tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước KCN, trong đó phối hợp với UBND huyện Mai Sơn tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu KCN Mai Sơn (giai đoạn I). Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện phương án quy hoạch phát triển các KCN (trong đó mở rộng KCN Mai Sơn lên 312 ha) để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Đồng thời, kêu gọi, thu hút nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tiềm lực tài chính đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vân Hồ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới