Xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học Việt Nam

Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học (ĐH) của Việt Nam đã được mở rộng về quy mô đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, bước đầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, nhiều yếu tố sẽ tác động đến hệ thống giáo dục ĐH, đòi hỏi những đổi mới sâu sắc và toàn diện.

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội nghị tham vấn cho xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2035.

Tham dự hội thảo, về phía WB có ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam; ông Ju Ho Lee, Ủy viên Ủy ban Giáo dục quốc tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc; ông Javier Alvarez, chuyên gia cấp cao của WB, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Columbia; bà Jane Davidson, Phó Hiệu trưởng Đại học University of Wales Trinity Saint David, nguyên Bộ trưởng của Xứ Wales; đại diện Bộ Giáo dục Malaysia và một số chuyên cao cấp khác của WB.

 

Hội thảo tham vấn về chiến lược giáo dục ĐH. 

 

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Giáo dục ĐH đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn nhân lực bậc cao và đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Giáo dục ĐH cần phát huy tốt kết quả của nền giáo dục phổ thông để đào tạo được một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, có các kỹ năng mềm, có tư duy sáng tạo và khả năng học tập suốt đời để đáp ứng và thích nghi với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động toàn cầu.

 

 Bộ trưởng cho hay, trong những năm qua, hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước thông qua việc mở rộng về quy mô, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng và bước đầu hội nhập quốc tế. Mặc dù đạt được một số thành tựu, kết quả đáng ghi nhận, giáo dục ĐH của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể là, chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo trình độ đại học vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta; thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế từ các cơ sở giáo dục ĐH; hạn chế về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; thiếu chính sách tạo động lực hiệu quả đối với đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho giáo dục ĐH; cơ chế tài chính cho giáo dục ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững.

 

 Do vậy, Bộ GD&ĐT xác định yêu cầu xây dựng Bản Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục ĐH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, làm cơ sở cho sự đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Với tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống  giáo dục ĐH của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia, chúng tôi mong muốn xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH giai đoạn 2021-2030 để hiện thực hóa tầm nhìn này.

 

Bản Chiến lược sẽ tập trung vào 05 trụ cột: tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị ĐH; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; đảm bảo tài chính bền vững cho giáo dục ĐH; và tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.

 

Bản chiến lược không chỉ xác định được các mục tiêu, giải pháp mà còn phải đưa ra được lộ trình triển khai khả thi, tạo ra được sự đồng thuận của các cấp, các bộ ngành, các cơ sở đào tạo và các bên liên quan.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với WB và một số tổ chức, cơ sở GDĐH tổ chức các hội nghị tham vấn với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, nhiều ý tưởng đổi mới của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tuyển dụng, các thầy cô giáo, sinh viên; đặc biệt là các chuyên gia cấp cao của WB. Với thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế của mình, các chuyên gia quốc tế sẽ giúp cho các nhóm nghiên cứu hoàn thiện ý tưởng, phương pháp và nội dung của các báo cáo, nghiên cứu.

 

Tại Hội thảo tham vấn cho xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tuyển dụng, các thầy cô giáo, sinh viên, đặc biệt là các chuyên gia cấp cao của WB đã tập trung thảo luận, trao đổi, đưa ra các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các báo cáo trên và lấy ý kiến cho xây dựng Chiến lược tổng thể cho giáo dục ĐH Việt Nam và Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035. Với thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế của mình, các chuyên gia quốc tế sẽ giúp cho các nhóm nghiên cứu hoàn thiện ý tưởng, phương pháp và nội dung của các báo cáo, nghiên cứu./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới