Xã hội hóa trong quản lý công trình cấp nước vùng nông thôn

Theo số liệu của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, bằng nhiều chương trình, dự án và các nguồn vốn, như: Ngân sách Nhà nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp... đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư được 1.602 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sinh hoạt cho hơn 800 nghìn người dân vùng nông thôn. Công tác quản lý sau đầu tư được quan tâm, có 1.537 công trình do cộng đồng quản lý, 35 công trình do HTX quản lý, 18 công trình do đơn vị sự nghiệp quản lý, 9 công trình do doanh nghiệp quản lý và 3 công trình do tư nhân quản lý.

 

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn

tỉnh tập huấn quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung.

Công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Chiềng Cọ (Thành phố), là một trong những công trình cấp nước tập trung do cộng đồng quản lý đang phát huy hiệu quả. Công trình được xây dựng từ năm 2001, cung cấp nước sinh hoạt cho 500 hộ tại khu trung tâm xã Chiềng Cọ, với chi phí sử dụng nước trung bình là 5.000 đ/m3. Các hộ sử dụng nước từ 5 - 30 m3/tháng/hộ. Ban Quản lý công trình cấp nước có 4 thành viên, 1 tổ trưởng phụ trách chính và 3 tổ viên; tổ trưởng đã được đào tạo qua lớp công nhân kỹ thuật điện nước 18 tháng, các tổ viên được đào tạo qua các lớp tập huấn về kỹ thuật quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình.

Tuy nhiên, không phải công trình cấp nước tập trung giao cho cộng đồng quản lý đều phát huy hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 1.537 công trình do cộng đồng quản lý có đến trên 36% công trình không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Phần lớn các công trình cấp nước tập trung nông thôn do cộng đồng quản lý không thu được phí sử dụng nước hoặc thu ở mức thấp, thu không đủ bù chi, khó khăn trong việc quản lý, vận hành. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý công trình cấp nước chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ hạch toán kinh tế, quản lý chi phí, do vậy khi xây dựng giá nước còn có nhiều thiếu sót; việc cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chế độ báo cáo không kịp thời và đầy đủ, chất lượng nước chưa được kiểm soát tốt.

Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung nông thôn, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 3 lớp tập huấn tại các huyện: Sốp Cộp, Quỳnh Nhai và Mai Sơn cho 80 học viên là cán bộ quản lý, vận hành công trình nước tập trung tại các xã trên địa bàn huyện. Các nội dung tập huấn về cách thức bảo vệ nguồn nước, tác hại, nguy cơ gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất; giải pháp bảo vệ nguồn nước phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đồng chí Bạc Cầm Thỏa, cán bộ địa chính xã Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai) là người trực tiếp được phân công theo dõi về vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường của xã cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, chúng tôi được học cách xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình; vận hành công trình bền vững và khắc phục các sự cố thường gặp. Từ những kiến thức tiếp thu được, chúng tôi về tuyên truyền cho bà con trong xã để bảo vệ công trình, nguồn nước phục vụ nhu cầu nước sạch của chính người dân.

Đồng chí Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: Qua thực tế cho thấy, việc xã hội hóa đã hình thành được một số mô hình về tổ chức quản lý, vận hành các công trình cấp nước, như: Tổ quản lý, HTX quản lý, ban quản lý, tư nhân quản lý và Trung tâm quản lý sẽ từng bước xây dựng thị trường nước sạch. Đồng thời, huy động được sự tham gia của người dân xây dựng công trình cấp nước ngay từ khâu đề xuất, lựa chọn giải pháp, hình thức cấp nước, tham gia đóng góp công sức, kinh phí xây dựng, giám sát thi công và quản lý công trình, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn sau đầu tư.

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả các công trình cấp nước tập trung nông thôn sau đầu tư, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn; tổ chức hướng dẫn nhân dân, học sinh tham gia bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành quy định của pháp luật về cấp nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới