Vườn cây thuốc nam ở Trạm Y tế xã É Tòng

Đến thăm Trạm Y tế xã É Tòng (Thuận Châu), chúng tôi ấn tượng với vườn cây thuốc nam của đơn vị, với nhiều loại cây khác nhau được trồng khoa học. Y sỹ Sa Thị Thìn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã É Tòng giới thiệu: Đây là vườn cây thuốc nam mẫu được trồng tại Trạm để tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong xã biết công dụng của từng loại cây thuốc chữa các bệnh thông thường.

Cán bộ Trạm Y tế xã É Tòng (Thuận Châu) chăm sóc vườn cây thuốc nam.

 

Vườn thuốc nam của Trạm Y tế xã É Tòng có 60 loại cây thuốc nam được chăm sóc chu đáo, cẩn thận, với các loại cây, như: Bạc hà, bồ công anh, cam thảo, cỏ nhọ nồi, cỏ xước, gừng, húng, chanh, tía tô, kinh giới, mã đề... Mỗi nhóm cây được trồng vào những ô riêng biệt và gắn biển tên, nên thuận tiện cho người dân quan sát, tìm kiếm và sử dụng. Tại đây, chúng tôi gặp cán bộ Trạm đang hướng dẫn người dân sử dụng một số cây thuốc nam trong điều trị các bệnh, như: Đau bụng, đau đầu, các bệnh về gan, cảm cúm, đau nhức xương khớp... Bà Lò Thị Bỉnh, bản Nà Lanh (É Tòng) nói: Theo hướng dẫn của cán bộ Trạm Y tế xã, mỗi khi bị ho, viêm họng, tôi dùng cây bạc hà, bồ công anh, kim ngân hoa; đau bụng đi ngoài thì chữa bằng lá ổi. Tôi sử dụng thấy hiệu quả, khỏi bệnh nên các bệnh thông thường, tôi chỉ chữa bệnh bằng cây thuốc nam, ít khi phải mua thuốc tây. Nhờ cán bộ ở Trạm Y tế xã hướng dẫn mà tôi và nhiều người khác ở bản đã có thói quen sử dụng thuốc nam để phòng và chữa bệnh. Tôi cũng xin cây thuốc mẫu ở đây về trồng ở vườn nhà để tiện sử dụng và giới thiệu cho mọi người biết, cùng sử dụng.

É Tòng là xã vùng ba của huyện Thuận Châu, từ lâu người dân trong xã có thói quen sử dụng cây rừng để làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, việc nhận biết cây thuốc và công dụng để điều trị thì không phải ai cũng biết. Vì thế, việc phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết, hiểu và sử dụng cây thuốc nam làm dược liệu chữa bệnh là việc làm cần thiết. Thời gian qua, Trạm Y tế xã É Tòng đã chú trọng quan tâm phát triển vườn cây thuốc nam, kết hợp với các phương pháp cổ truyền trong điều trị bệnh cho người dân trong xã. Trạm đã chỉ đạo cán bộ thường xuyên sưu tầm nhiều loại cây thuốc dùng chữa các bệnh khác nhau. Thông qua hoạt động khám chữa bệnh hằng ngày, thường xuyên hướng dẫn cho người dân biết tác dụng của từng loại cây trong phòng bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, khuyến khích người dân mang cây thuốc nam về nhân giống, trồng tại vườn nhà để tiện sử dụng. Những cây thuốc nam trồng tại Trạm đều được sưu tầm từ các hộ gia đình trên địa bàn. Một số cây thuốc mọc hoàn toàn ở tự nhiên mà người dân không biết, được cán bộ của Trạm đưa về trồng nhằm giới thiệu cho bà con về công dụng và nhân rộng ra cộng đồng. Việc xây dựng vườn thuốc nam là một trong những yếu tố thu hút người dân đến khám, chữa bệnh, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, không dùng được thuốc tây y do tác dụng phụ

Trạm Y tế xã É Tòng đạt chuẩn quốc gia vào năm 2016, trong đó đạt chuẩn về tiêu chí khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Trung bình mỗi năm, Trạm có 2.000-2.500 lượt bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, trong đó trên 32% người được điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền. Trạm đã xây dựng Phòng điều trị y học cổ truyền, với đầy đủ trang bị thiết bị phục vụ cho công tác khám, điều trị, như: Máy châm cứu, máy điện châm, đèn hồng ngoại, tủ thuốc đông y. Ngoài ra, Trạm còn cử cán bộ đi học tập định hướng y học cổ truyền tại Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân có bệnh lý, như: Đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, rối loạn kinh nguyệt, đau xương khớp đều được cán bộ của Trạm hướng dẫn sử dụng cây thuốc nam kết hợp với phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền gồm xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt đã có hiệu  quả tốt, giảm thiểu bệnh nhân chuyển lên tuyến trên điều trị. Số người tin tưởng đến khám, chữa bệnh bằng kết hợp giữa dùng thuốc nam với phương pháp y học cổ truyền tại Trạm ngày càng nhiều. Thời gian tới, Trạm tiếp tục nhân rộng vườn thuốc nam mẫu, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền lồng ghép với y học hiện đại.

Việc áp dụng y học cổ truyền trong khám chữa bệnh ở Trạm Y tế xã É Tòng là hướng đi đúng, phù hợp với nhu cầu của người dân, góp phần phát huy hiệu quả các bài thuốc dân gian, bảo tồn các giống cây thuốc quý, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới