Vùng chè cổ thụ Mường Do

Xã Mường Do (Phù Yên) có khoảng 11.000 gốc cây chè Shan tuyết cổ thụ. Những năm trước đây, cây chè bị lãng quên, rừng chè là bãi chăn thả gia súc, người dân phá chè làm nương ngô, đào gốc về làm cây cảnh hoặc bán. Đến năm 2017, xã Mường Do thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển vùng chè Shan tuyết cổ thụ, tạo nguồn thu nhập cho người dân.

Các hộ dân xã Mường Do (Phù Yên) sao chè theo phương pháp truyền thống.

 

Những giai thoại về cây chè Mường Do

Chỉ tay về nương chè cổ thụ xanh ngát ngay sau trụ sở xã, đồng chí Hà Đình Viêng, Chủ tịch UBND xã Mường Do, thông tin: Những năm 1959, khi Nhà nước có chính sách chia đất nương cho các HTX nông nghiệp làm kinh tế tập thể, các bản: Lằn, Kiểng, Páp đã cùng nhau thành lập tổ hợp tác trồng chè. Đến nay, những cây chè này cao 2 - 3 mét, có cây cao tới hàng chục mét, thân trắng mốc, xù xì. 12 ha nương chè hợp tác ngày nào, nay giảm diện tích xuống còn một nửa.

Cụ Hà Văn Chiên, ở bản Lằn, năm nay 80 tuổi, chia sẻ về quãng thời gian cùng bà con mở rộng diện tích trồng chè: Ngày đó, 3 nương chè của HTX đều trồng bằng cây giống do các xã viên đi kiếm trong rừng, cách trung tâm xã hàng chục cây số. Còn cụ Hà Thị Tắt, ở bản Lằn, năm nay đã ngoài 70 tuổi kể: Những năm 1960, bà con bản Lằn, bản Kiểng, bản Páp cùng phát nương trồng chè. Tôi khi ấy mới 12 tuổi, cũng hăng hái cùng thanh niên trong bản gói cơm nắm vào rừng tìm cây chè giống. Cây con được cuốn lá dong, cho vào ếp đem về để ban quản trị HTX tính công điểm, khi thời tiết thuận lợi thì trồng. Cây trồng xuống bén rễ xanh ngun ngút, 3 năm sau, 12 ha chè đã bắt đầu cho thu hái.

Ngày đó, xưởng chế biến chè được thành lập với 5 gian nhà chế biến, 3 gian nhà ở, 2 gian nhà thu mua, do thành viên HTX trực tiếp tham gia vận hành. Vụ thu hái, mỗi sáng, tiếng mõ lại rộn ràng gọi xã viên lên nương hái búp chè về giao cho xưởng chế biến, hết vụ, từng đoàn ngựa thồ hàng tấn chè khô vượt đèo dốc về nhập cho kho mậu dịch ở dưới huyện. Búp chè hợp tác được đổi thành muối ăn, dầu thắp sáng, vải mặc cho người dân nơi đây. Đến năm 1991, xưởng chế biến chè Mường Do giải thể chuyển về xưởng chè thuộc xã Mường Cơi bây giờ. Những nương chè được giao lại cho các hộ gia đình quản lý. Đến giờ, các cụ cao niên trong bản như cụ Chiên, cụ Tắt vẫn gọi những nương chè ấy là “chè hợp tác”.

Trăn trở vực dậy vùng chè cổ thụ

Con đường nhỏ, ngoằn nghèo, dốc cao dẫn chúng tôi đến nương “chè hợp tác”. Hai bên đường là những cây chè cổ thụ đang vào vụ thu hái. Chị Hà Thị Nu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè sạch Mường Do, chia sẻ: Từ năm 1998, diện tích chè bị thu hẹp dần, giá chè rẻ, lại không có đầu ra, nên không ai mặn mà với việc thu hái, chăm nom cây chè. Ý nghĩ khôi phục lại nương chè hợp tác nhen nhóm trong tôi, phần vì tiếc công sức và tâm huyết của cha ông để lại, phần muốn tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ gia đình trong bản. Năm 2004, tôi huy động hội viên phụ nữ và đoàn viên thanh niên phát dọn cỏ tại các nương chè; tổ chức thu hái búp tươi, bán làm quỹ của hội. Đến năm 2017, tôi cùng 14 hộ gia đình có vườn chè cổ thụ trong xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch Mường Do. Tôi nhận thu mua, chế biến và tìm đầu ra cho sản phẩm. Vụ chè năm ngoái, Tổ hợp tác chè sạch thu mua gần 7 tấn chè tươi, sau chế biến được gần 2 tấn chè khô, bán với giá từ 150 - 200 nghìn đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng. Trạm Khuyến nông huyện đã khảo sát, lập kế hoạch khôi phục vùng chè cổ thụ này. Nhiều hộ trong xã đã coi cây chè là cây phát triển kinh tế và đầu tư chăm sóc để thoát nghèo. Sản lượng chè búp tươi hơn 14 tấn/năm, với giá mua chè búp tươi từ 12 - 15 nghìn đồng/kg, từ bán chè đã tạo thêm nguồn thu cho nhiều hộ dân trong xã.

Đến bản Kiểng, thăm hộ gia đình chị Hà Thị Díp, tận mắt xem phương pháp thủ công sao chè bằng tay khiến chúng tôi càng thêm trân quý sự vất vả của những người làm nên hương vị độc đáo của chè shan tuyết Mường Do. Chỉ với chiếc chảo gang và đôi tay thoăn thoắt, những búp chè màu trắng bạc, quăn như lưỡi câu dần hiện ra. Rót chén trà sánh vàng như mật mời khách, chị Hà Thị Díp chia sẻ: Cây chè shan tuyết cho chất lượng trà tốt nhất là từ tháng 3 đến giữa tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm Mường Do ít mưa lại có mây mù, nên mọi thành phần hóa học cần thiết cho hương vị của trà được hình thành. Hương trà ở Mường Do dịu ngọt, cảm nhận vị chát nhẹ nơi đầu lưỡi, tan dần vị ngọt nơi cuống họng. Nương chè nhà tôi rộng hơn 2 ha, mỗi vụ thu về trên 2 tấn chè búp tươi, sao được hơn 600 kg chè khô, giá buôn 150 - 200 nghìn đồng/kg.

Đã từng có thời gian cây chè bị lãng quên, nhưng nhờ có Tổ hợp tác chè sạch cùng lòng nhiệt thành của những người dám “đứng mũi chịu sào” như chị Hà Thị Nu đã khôi phục lại vùng chè, tạo nguồn thu nhập cho bà con trong xã. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền cùng người dân nơi đây cần có kế hoạch cải tạo lại những diện tích chè già cỗi, tận dụng các quỹ đất để trồng dặm diện tích chè mới, tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm chè địa phương nhằm tìm thị trường tiêu thụ ổn định, đồng thời, lưu giữ cách sao chè truyền thống, tạo sản phẩm chè đặc trưng.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới