“Vua bò sữa” trên cao nguyên Mộc Châu

Trong tiết trời se lạnh kèm theo những cơn gió của đầu đông, chúng tôi tìm về thị trấn Nông trường Mộc Châu, nơi được coi là thủ phủ của những tỷ phú bò sữa để gặp gỡ cựu chiến binh Phan Doãn Hiệp, người được mệnh danh là “Vua bò sữa” trên cao nguyên Mộc Châu, ông là tấm gương điển hình lao động cần cù và làm giàu từ nghề nuôi bò sữa.

 

Ông Phan Doãn Hiệp chăm sóc đàn bò sữa.

6 giờ sáng, con đường từ trung tâm huyện dẫn đến tiểu khu 26/7 của thị trấn Nông trường Mộc Châu mùa này sương mù bao phủ, bên những đồi cỏ xanh mướt là những trang trại bò sữa được xây dựng kiên cố, mùi chua nồng của cỏ, ngô ủ ướp là nét đặc trưng dễ cảm nhận khi đặt chân đến nơi đây. Con đường dẫn vào trang trại của ông Hiệp được rắc vôi trắng xóa, sau khi thực hiện các động tác khử trùng theo hướng dẫn, chúng tôi được vào khu trang trại. Ấn tượng đầu tiên về trang trại của “Vua bò sữa” là hệ thống chuồng trại được xây dựng quy mô, khoa học. Người đàn ông có khuôn mặt phúc hậu đon đả mời chúng tôi vào nhà. Cao nguyên Mộc Châu mùa này sương mù dày đặc, có hôm kéo dài đến hết ngày, ngồi trong nhà mà từng làn sương theo cơn gió lùa vào khiến chúng tôi cảm nhận rõ cái lạnh của đầu đông, rót ly sữa nóng mời chúng tôi, ông Hiệp nói: Sữa của những chú bò trong trang trại của gia đình tôi đấy, biết các nhà báo đến nên để lại mời nhà báo thưởng thức. Những con bò trong trang trại của gia đình được nuôi theo quy trình nghiêm ngặt của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, sản phẩm sữa sạch và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế trước khi vào thăm trang trại, nhà báo hay bất kỳ ai đều phải thực hiện khử trùng bằng vôi bột và thay quần áo.

Đưa chúng tôi đi thăm quan khu nuôi bò cho sữa, ông Hiệp tâm sự: Cuộc đời ông đã trải qua biết bao thăng trầm, ông từng học tại Trường Văn hóa Quân khu 3, công tác ở Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, rồi sau đó lên Mộc Châu lập nghiệp. Hồi đó, tôi lên Mộc Châu đem theo quyết tâm phát triển kinh tế. Tôi làm đủ nghề, từ trồng ngô, nuôi lợn. Sau khi xây dựng gia đình, đến năm 1995, gia đình tôi nhận nuôi khoán theo hướng cho vay bò, trả nợ dần bằng sữa cho Nông trường Mộc Châu. Đây là cơ hội cho những công nhân, nông dân có ý chí làm giàu. Ngày ấy, do chưa có kinh nghiệm, lứa bò đầu tiên nhận nuôi 15 con bò sữa đều bị mắc bệnh, chết, gánh nợ hàng trăm triệu đồng đổ lên đầu hai vợ chồng. Thất bại từ lứa bò đầu tiên là bài học đắt giá, song đã dạy cho tôi hiểu hơn về loài bò có nguồn gốc từ châu Âu này và càng thôi thúc tôi quyết tâm gắn bó với nghề nuôi bò sữa. 

Theo mạch cảm xúc, ông Hiệp tiếp tục câu chuyện: Sau thất bại đầu tiên, tôi chịu khó học hỏi, tìm hiểu thêm về đặc tính sinh học, kỹ thuật chăm sóc giống bò sữa nhập ngoại. Sau khi bàn với vợ và quyết định vay vốn để tiếp tục đầu tư nuôi bò sữa. Thời gian này thực sự là thử thách đối với tôi bởi thành hay bại sẽ được quyết định ở lần nuôi này, bao vốn liếng của gia đình vay mượn đã đầu tư cả vào đàn bò. Do vậy, mọi khâu đều được thực hiện cẩn thận; kỹ lưỡng từ chọn bò giống, thức ăn, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi đến theo dõi sự sinh trưởng của đàn bò qua từng ngày... Không phụ lòng người, với lần nuôi tiếp theo, đàn bò sữa của gia đình phát triển rất tốt, bò cho sản lượng và chất lượng sữa cao. Tín hiệu vui, khiến cả gia đình ngày càng hăng say chăm sóc, phát triển đàn bò sữa.

Trải qua 23 năm gắn bó với nghề nuôi bò sữa, gia đình ông Hiệp hiện có đàn bò 145 con, trong đó, 80 con bò sinh sản, 25 con bò chờ đẻ và 40 con bò đang cho sữa. Trung bình mỗi ngày thu 1 tấn sữa tươi với giá bán bình quân 13.000 đồng/lít. Tôi nhẩm tính mỗi tháng gia đình ông Hiệp thu khoảng 300 triệu đồng từ việc bán sữa tươi, trừ chi phí thu lợi trên 100 triệu đồng, một con số mơ ước với nhiều nông dân.

Có trong tay đàn bò trị giá cả chục tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm trên 1 tỷ đồng, hàng ngày ông Hiệp vẫn tự tay chăm sóc đàn bò, đối với ông những con bò không chỉ là tài sản mà còn là những dấu ấn gắn bó với cuộc đời mình. Dù tuổi đã ngoài 60, thế nhưng hàng ngày, vào 4 giờ sáng vợ chồng ông cùng 6 người con lại thức giấc để vắt sữa bò. Toàn bộ quá trình vắt sữa bò của gia đình ông Hiệp được thực hiện bằng máy vắt sữa chuyên dụng kết nối và điều khiển bằng máy vi tính. Sữa vắt ra cho vào thùng bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 40C để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, độ thơm ngon và tinh khiết, sau đó sẽ được xe của nhà máy đến thu gom mang về Công ty.

Rời khu chăn nuôi, chúng tôi đi thăm cánh đồng trồng cỏ rộng khoảng 1,5 ha, bên những luống cỏ xanh mướt, những người công nhân nhanh tay cắt cỏ đem về làm thức ăn cho bò. Ông Hiệp chia sẻ: Với 1,5 ha cỏ của gia đình, chỉ đáp ứng được 1/3 lượng thức ăn cho đàn bò, còn lại 2/3 gia đình phải đi mua của người dân trong thị trấn và khu vực lân cận. Ánh mắt mãn nguyện nhìn cánh đồng cỏ xanh ngút tầm mắt, ngắm trang trại bò đang nuôi hàng trăm con, ông điềm tĩnh nói: Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi hiện giờ là 6 người con trai của tôi đều đã trưởng thành và xây dựng gia đình. Các con trai và con dâu đều làm việc tại trang trại sữa của gia đình. Các con tôi được học hành chu đáo, có đứa học xong đại học, đây là thuận lợi để gia đình đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào nuôi bò sữa. Nhờ thế, đàn bò của gia đình luôn khỏe mạnh, phát triển tốt và cho sản phẩm sữa đạt chất lượng cao.

Hạnh phúc với những gì đang có, ông Hiệp cười vui và nói “giờ đến phân bò cũng có giá”. Vì phân bò ở chuồng được dọn về chung một hố, máy sẽ tự động hút phân bò tươi lên ép thành phân khô. Kết quả, thành phẩm sẽ là phân riêng (phân khô tơi xốp có độ ẩm khoảng 15-25%), còn nước phân một phần sẽ chảy vào bể biogas, một phần chảy về một bể khác có hệ thống sục với men vi sinh. Qua bể sục, nước sẽ được lọc một lần nữa để đạt mức tiêu chuẩn có thể đem tưới rau, cỏ, cây hoa màu... Sản phẩm phân ép khô không có mùi hôi, được bán với giá từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg. “Không chỉ làm lợi về kinh tế, cái lợi lớn hơn cả chính là môi trường xanh của Mộc Châu được bảo vệ”. Không chỉ có bò sữa, Mộc Châu bây giờ còn là điểm đến của nhiều khách du lịch nên môi trường trong sạch là yếu tố quan trọng.

Kết thúc một ngày tham quan trang trại của “Vua bò sữa”, chúng tôi cảm nhận được sự cần cù, chịu khó của người cựu chiến binh già Phan Doãn Hiệp, không đầu hàng trước khó khăn, bền bỉ theo đuổi mục tiêu đã đặt ra. Xin chúc người cựu chiến binh già thật nhiều sức khỏe để góp thêm công sức vào xây dựng mảnh đất Cao nguyên ngày một trù phú, giàu có.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới