VOF nâng cao năng lực cho nông dân thiểu số

Nhằm giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Bắc Việt Nam” (VOF) đã chọn Sơn La triển khai thí điểm cho 4 nhóm hộ, với 41 thành viên tại các huyện: Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu và Vân Hồ từ năm 2019, bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn người dân bản Nà Si, xã Hát Lót (Mai Sơn) phương pháp cấy lúa SRI.

 

Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Là đơn vị phối hợp triển khai Dự án VOF trên địa bàn tỉnh, chúng tôi ưu tiên lựa chọn những bản có điều kiện trong phát triển nông nghiệp để triển khai, khuyến khích các nhóm hộ đưa ra các ý tưởng sản xuất nông nghiệp mới mang lại lợi ích cho cộng đồng. Dự án sẽ hỗ trợ các nhóm hộ chủ động tìm kiếm, kêu gọi tài trợ từ các nguồn quỹ, giúp người nông dân có thể quản lý công việc, tài sản chung của nhóm và sử dụng nguồn quỹ có hiệu quả sau khi được nhận tài trợ, hướng tới việc xây dựng và từng bước hình thành mô hình làng nông nghiệp thông minh.

Các nhóm hộ tham gia Dự án sẽ thực hiện quy trình xin vốn tài trợ trên cơ sở các sáng kiến của từng nhóm đưa ra, như: Phát triển chuỗi giá trị về nông sản sạch ở địa phương; khả năng tiếp cận thị trường cho nông sản địa phương; áp dụng thử nghiệm các kỹ thuật canh tác bền vững, thân thiện với môi trường và đào tạo nghề cho nông dân trong bản về phát triển chuỗi giá trị nông sản sạch ở địa phương. Mỗi nhóm hộ tham gia Dự án được lựa chọn chủ đề để xin vốn tài trợ phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và khả năng đáp ứng các yêu cầu của nhà tài trợ. Tùy theo từng sáng kiến được phê duyệt, Dự án sẽ hỗ trợ mức kinh phí khoảng 60 triệu đồng/nhóm.

Là thành viên nhóm hộ tham gia thí điểm Dự án VOF tại bản Thín, xã Xuân Nha (Vân Hồ) với mô hình nuôi bò giống sinh sản, anh Hà Văn Hùng, cho biết: Mô hình nuôi bò sinh sản của nhóm có quy mô trên 60 con. Từ khi triển khai đến nay, nhóm đã cung cấp trên 100 con bò giống và bò thịt cho thị trường. Nhu cầu thị trường hiện nay rất lớn, vì vậy, nhóm đang đề nghị được cấp thêm vốn tài trợ để tiếp tục mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu con giống cho các hộ dân trong và ngoài xã.

Còn nhóm hộ tại bản Nà Si, xã Hát Lót (Mai Sơn) sử dụng nguồn vốn được tài trợ vào việc mua các giống lúa mới và phân bón không gây ô nhiễm môi trường để đầu tư phát triển sản xuất. Với quy mô sản xuất 20 ha trồng lúa, các loại cây ăn quả và được Dự án VOF tài trợ 60 triệu đồng, nhóm đã mua vật tư nông nghiệp và đầu tư áp dụng các phương pháp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Đồng thời, hướng dẫn người dân trong bản cùng làm theo để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Anh Hà Văn Chiến, bản Nà Si, xã Hát Lót, cho hay: Ngay từ vụ lúa đầu tiên áp dụng phương pháp cấy SRI năng suất đã tăng hơn 6 tạ thóc/ha so với phương pháp truyền thống. Để đời sống nhân dân cùng phát triển, nhóm chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân trong bản làm theo. Bên cạnh đó, đối với vườn cây ăn quả, các hộ trong nhóm đã tiên phong thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng nông sản được đánh giá cao.

Sau hơn 2 năm được triển khai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, Dự án VOF đã góp phần nâng cao tư duy, nhận thức của người dân trong việc sáng tạo các mô hình sản xuất nông nghiệp; nâng cao khả năng tự chủ của người dân trong sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, những hộ đã được tham gia dự án sẽ đóng vai trò là các tuyên truyền viên hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình cụ thể để xin tài trợ cho những phát kiến ra những ý tưởng kinh doanh mới trong thời gian sắp tới.

Dự án VOF đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân nắm được quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới